ThienNhien.Net – Bước sang thế kỷ XXI, khi nền kinh tế toàn cầu sắp chạm dần tới giới hạn về nguồn tài nguyên thiên nhiên và giới hạn của chính hành tinh cũng là lúc con người chú ý nhiều hơn tới sự chia sẻ công bằng (fair shares). Việc mối quan tâm ấy sẽ đi đến đâu ảnh hưởng rất lớn tới tương lai của bộ phận người nghèo và triển vọng phát triển của thế giới. Tuy nhiên, có thể đạt được sự chia sẻ công bằng hay không vẫn còn là dấu hỏi chưa có lời giải đáp, và còn vô số công việc mà các nhà viện trợ nhân đạo và các tổ chức xã hội phải làm.
Kỳ vọng về chia sẻ công bằng
Hiện nay, nhu cầu đối với các nguồn tài nguyên – đặc biệt là lương thực, dầu, đất, nước và không gian phát thải các-bon (carbon space) – đang tăng lên theo hàm mũ. Đây chính là kết quả tất yếu của việc dân số thế giới tiếp tục gia tăng, trong đó có sự tác động không nhỏ của tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông đảo.
Song, khi nguồn cung vẫn cố gắng duy trì để đáp ứng lượng cầu ngày càng tăng thì những thành quả vượt trội về sản lượng của cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp đang từng bước bị bào mòn; cuộc cạnh tranh về đất và nước đã bước vào hồi gay cấn; và theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thì nguồn đầu tư cho sản xuất dầu không thể đáp ứng nhu cầu tương lai; chưa hết, không gian phát thải các-bon cũng dần bị thu hẹp trong bối cảnh cả thế giới đang cố gắng hạn chế sự nóng lên toàn cầu.
Đặc biệt, những mâu thuẫn về vấn đề tiếp cận nguồn tài nguyên đất và nước tại những quốc gia “dễ đổ vỡ” ngày một quyết liệt hơn, dẫn đến tình trạng gia tăng các mối đe dọa xung đột, đơn cử như cuộc chiến ở Darfur từ năm 2003 – 2010 hay cuộc xung đột đang xảy ra tại vùng Sừng châu Phi.
Trên phạm vi quốc tế, xu hướng “chiếm đất” (landgrabs) ngày càng định hình rõ nét, khi đất nông nghiệp ở các nước nghèo bị chiếm hữu thông qua hình thức nhượng, bán hoặc một số hình thức mang vỏ bọc hợp pháp khác. Kể từ năm 2001 đã có tới 80 triệu héc-ta (lớn hơn nhiều so với diện tích nước Pháp) bị chiếm đoạt theo cách này và kết quả là những người nghèo thường bị đẩy ra khỏi đất công. Hoặc tương tự, ở khu vực ngoài khơi, người ta có thể chứng kiến hiện tượng “chiếm đất” khi các tàu đánh bắt cá của Liên minh Châu Âu (EU) đang vin vào các quyền khai thác để đánh bắt ngoài khơi Senegal.
Bên cạnh đó, vấn đề về chia sẻ công bằng cũng đang nổi lên trên các thị trường lương thực. Việc Hoa Kỳ sử dụng 40% sản lượng ngô vào mục đích sản xuất nhiên liệu sinh học và hàng triệu người tiêu dùng chuyển sang “chế độ dinh dưỡng kiểu phương Tây” tiêu thụ đáng kể các nguồn tài nguyên trong thời gian gần đây thực sự đã khiến giá lương thực tăng vọt, vượt khả năng mua của rất nhiều người ở những cộng đồng nghèo nhất thế giới.
Chia sẻ công bằng cũng được đặt ra trong khu vực năng lượng. Sự gia tăng liên tiếp của giá dầu có vẻ như đang vắt kiệt tiềm lực của các nước nghèo, vốn phụ thuộc nguồn nhập khẩu dầu từ thị trường bên ngoài. Giai đoạn 2004 – 2007, trên 12 quốc gia châu Phi đã tiêu tốn nhiều khoản tài chính vào nhập khẩu dầu hơn cả số họ nhận được từ các nguồn viện trợ và vay nợ. Tại nhiều thành phố, tình trạng cắt điện và giảm điện áp có xu hướng rơi vào bộ phận dân nghèo.
Biến kỳ vọng thành hiện thực
Đây là trọng trách được ủy thác một cách vô hình vào tay các nhà hảo tâm và các nhà vận động chiến dịch vốn đang theo đuổi hoài bão về một hành tinh phát triển bền vững. Vậy họ nên hành động như thế nào để đạt được mục tiêu này?
Trước hết, muốn biến kỳ vọng về sự chia sẻ công bằng thành hiện thực, họ cần phải thừa nhận tính hữu hạn của các nguồn tài nguyên, thừa nhận mọi thứ chỉ có thể diễn tiến bình thường nếu tồn tại một Trái đất không giới hạn về tài nguyên thiên nhiên.
Thứ hai là họ cần lưu ý rằng sự chia sẻ công bằng dành cho người nghèo không phải chỉ là câu chuyện về công lý mà đó còn là điều mấu chốt để cùng tồn tại trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau. Nếu thế giới vẫn cứ trượt dài trong một kỷ nguyên cạnh tranh các nguồn lực khan hiếm đến mức triệt tiêu lẫn nhau thì chẳng mấy chốc chúng ta sẽ biến mất vì tình trạng bất ổn định.
Hơn nữa, đương đầu với yêu cầu về chia sẻ công bằng cũng là điều kiện tiên quyết trong quản lý nguồn “tài sản” chung của toàn thế giới, như không khí. Suốt hai thập niên đằng đẵng, các nhà hoạch định chính sách đã cố tình lờ đi câu hỏi quan trọng về cách thức phân chia hạn ngạch phát thải các-bon toàn cầu an toàn cho 193 nước trong khi rõ ràng những lựa chọn chính sách có thể đưa ra câu trả lời. Và hệ quả khó lòng tránh khỏi là nồng độ khí nhà kính tiếp tục tăng lên theo từng năm.
Tiếp đó, cũng cần nhớ đến một số ví dụ chứng tỏ các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng nói chung đã từng đặt niềm tin vào nguyên tắc chia sẻ công bằng. Chẳng hạn như việc phân chia khẩu phần trong Thế chiến II hay trường hợp mọi công dân trưởng thành ở Alaska hàng năm đều nhận một mức chi trả công bằng từ sản lượng khí tự nhiên và dầu của quốc gia.
Quan trọng hơn hết là nên thừa nhận để đạt được sự chia sẻ công bằng phải có sự chung tay của toàn thế giới. Riêng các nước đang phát triển thì còn rất nhiều việc để làm, từ thúc đẩy các hệ thống quản trị nguồn lực tự nhiên một cách hợp tình hợp lý đến gia tăng nhanh chóng nguồn cung cấp giúp người nghèo đảm bảo những nhu cầu cơ bản của họ.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là nếu các nước phát triển và giai cấp trung lưu toàn cầu không giảm nhanh lượng tiêu thụ thì gánh nặng trước hết sẽ đè lên vai những nước nghèo nhất và những người nghèo nhất thế giới. Do vậy, việc đảm bảo rằng điều này sẽ không xảy ra cần trở thành ưu tiên hàng đầu trong sứ mệnh của các tổ chức hỗ trợ phát triển.