ThienNhien.Net – Sau một vài năm triển khai, mô hình giao đất, giao rừng cho cộng đồng thôn bản ở Bắc Kạn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, giải quyết cơ bản phần diện tích đất rừng chưa được giao hoặc rất khó giao do phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, hoặc là những khu rừng nghèo, ở xa khu dân cư. Thành công ban đầu từ mô hình rừng cộng đồng tại địa phương này không chỉ giúp bà con ổn định cuộc sống, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên rừng mà còn tạo tiền đề cho việc áp dụng các công cụ quản lý rừng bền vững.
Hiệu quả từ các mô hình rừng cộng đồng
Tại Bắc Kạn, việc giao đất cho cộng đồng quản lý được thực hiện ở hai xã Bản Thi, Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn) và bốn thôn thuộc hai xã Văn Minh, Lạng San (huyện Na Rì). Trong đó, tại Bản Thi và Xuân Lạc, mô hình quản lý rừng cộng đồng do Tổ chức CARE triển khai đã thành lập được 9 nhóm, các nhóm đều được tập huấn nâng cao năng lực và được hướng dẫn xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động (quy chế hoạt động được chính quyền cấp huyện công nhận). Sau ba năm triển khai (2006-2009), dự án đã giao gần 1.000 ha rừng cho các nhóm khoanh nuôi, bảo vệ trong thời hạn 5 năm.
Trong khi đó, tại các xã Văn Minh và Lạng San, dự án do Cơ quan phát triển quốc tế Úc (AusAID) tài trợ trong ba năm (2007 – 2010) đã giúp bốn thôn xây dựng các mô hình vườn ươm cấp thôn, bản và mô hình nông lâm kết hợp; tình trạng khai thác trái phép cũng giảm hẳn so với trước, vai trò chức năng của chủ rừng được gắn liền với quyền lợi trong việc thu hoạch sản phẩm từ rừng.
Đặc biệt, cộng đồng các thôn còn được UBND huyện Na Rì cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính thức trên diện tích rừng mà họ nhận quản lý. Một quỹ phát triển rừng với nguồn vốn ban đầu 13 triệu đồng cũng được thành lập ở các thôn dự án, giúp chi trả phần kinh phí tuần tra rừng, mua sắm dụng cụ, hỗ trợ các hộ vay với lãi suất ưu đãi.
Tìm hiểu về những trở ngại trong quá trình triển khai các mô hình rừng cộng đồng tại Bắc Kạn, chúng tôi được biết có một số khó khăn lớn liên quan đến vấn đề pháp lý. “Cộng đồng” chưa phải là chủ thể có đầy đủ tư cách pháp nhân để được hưởng các quyền lợi về giao đất giao rừng, vay vốn tín dụng ưu đãi, khai thác thương mại sản phẩm rừng. Khung pháp lý hiện hành còn thiếu những quy định về hưởng lợi, nhất là hưởng lợi gỗ trong giao rừng tự nhiên cho cộng đồng và khai thác gỗ thương mại. Kế hoạch quản lý rừng cộng đồng chưa được thừa nhận và thể chế hóa như một phương án kinh doanh rừng hay một phương án điều chế rừng cộng đồng.
Bên cạnh đó, nhiều quy trình quy phạm lâm sinh hiện tại áp dụng trong điều kiện cộng đồng dân tộc thiểu số để lập kế hoạch quản lý rừng còn chưa phù hợp.
Vì được xây dựng và duy trì hoạt động dựa trên hỗ trợ tài chính của các dự án phát triển nên các mô hình rừng cộng đồng ở Bắc Kạn đang phải đối mặt với tình trạng không bền vững khi các dự án kết thúc. Năm nay, nguồn quỹ hỗ trợ cho các mô hình rừng cộng đồng ở Bắc Kạn không còn, thách thức trong quản lý bảo vệ rừng lại một lần nữa được đặt ra khi không còn các nguồn quỹ hỗ trợ cho sự tham gia tuần tra bảo vệ rừng của cộng đồng.
Tín hiệu vui nhờ PES, REDD
Tuy còn gặp không ít khó khăn nhưng theo nhiều chuyên gia đánh giá, việc triển khai mô hình rừng cộng đồng tại Bắc Kạn đã tạo ra tiền đề thuận lợi cho việc áp dụng hiệu quả các công cụ quản lý rừng bền vững như sáng kiến về Giảm phát thải do phá rừng và suy thoái rừng (REDD), Chi trả dịch vụ môi trường (PES) hay Tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ (FLEGT).
Tại cuộc họp mới đây giữa đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông và lãnh đạo hai huyện Na Rì và Ba Bể của Bắc Kạn, Thứ trưởng Hứa Đức Nhị cũng khẳng định, hiện nay Bộ đang đệ trình các nhà tài trợ chương trình REDD pha II và Bắc Kạn sẽ tiếp tục là một trong hai tỉnh được thí điểm, bởi vậy địa phương cần sẵn sàng chuẩn bị để thực hiện.
Cũng theo Thứ trưởng, hiện Dự án “Quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn” đang giao đất, giao rừng cho bà con, vì thế cần xác định đây là các bước chuẩn bị cho PES nhằm nâng cao thu nhập cho người dân về bảo vệ rừng. Chương trình UNREDD Việt Nam (tức REDD+) và Dự án REDD sẵn sàng hỗ trợ tỉnh và địa phương lồng ghép với các chương trình bảo vệ phát triển rừng.