ThienNhien.Net – Các nhà khoa học trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) TP. Hồ Chí Minh vừa nghiên cứu thành công công nghệ xử lí và tái chế rác bằng thủy lực và khí động mà không cần phân loại từ đầu nguồn. Giải pháp công nghệ này vừa không gây ô nhiễm môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời báo kinh tế Việt Nam ngày 27/8/2011 cho biết, các giải pháp xử lí rác thải hiện nay ở nước ta chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp đang gây ô nhiễm môi trường và không mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện một số công nghệ xử lí rác thải đang được áp dụng ở nước ta đạt được một số tiêu chuẩn về môi trường như công nghệ SERAPHIN, ANSINH – ASC và MBT – CD.08 với sản phẩm là phân hữu cơ, các sản phẩm nhựa tái chế và viên nhiên liệu đã được áp dụng tại nhà máy xử lí rác thải Đông Vinh (Nghệ An), nhà máy xử lí rác Sơn Tây (Hà Nội)… Đối với những công nghệ, thiết bị xử lí rác thải của nước ngoài khi nhập vào nước ta chưa mang lại hiệu quả vì không phù hợp với đặc thù rác thải phức tạp, chưa phân loại đầu nguồn ở Việt Nam và giá thành công nghệ quá cao.
Theo kỹ sư Trần Hùng Dũng (ĐHBK TP.HCM), với nghiên cứu thành công “Công nghệ phân loại rác bằng thủy lực và khí động”, rác sẽ được phân loại thành rác hữu cơ (rau, thức ăn thừa) và các chất vô cơ (đá, gạch, kim loại…) và sau đó tiến hành để tiến theo từng mục đích riêng. Ưu điểm của công nghệ này là hệ thống hoạt động liên tục, khép kín và tuần hoàn, năng suất cao và không gây ô nhiễm môi trường, mang lại lợi ích kinh tế cao. Công nghệ này đã bước đầu thu hút sự chú ý của một số doanh nghiệp sản xuất và cơ sở tái chế rác.