ThienNhien.Net – Trước những tác động ngày càng rõ rệt và sâu sắc của biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu, ứng phó. Tại Việt Nam, từ cuối năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu cùng nhiều kế hoạch, dự án liên quan. Có điều không thể phủ nhận là luật pháp và chính sách hiện hành chính là công cụ để thực hiện quản lý đa dạng sinh học thích nghi với biến đổi khí hậu và nghiên cứu “Các công cụ chính sách và pháp luật để quản lý đa dạng sinh học thích nghi với biến đổi khí hậu” của Viện Luật môi trường – ELI (Hoa Kỳ) được giới thiệu dưới đây sẽ làm sáng tỏ hơn quan điểm này.
Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học
Biến đổi khí hậu với những tác động đa chiều đã và đang làm thay đổi căn bản các hệ sinh thái và các nguồn tài nguyên mà xã hội loài người phụ thuộc. Theo ước tính của các nhà khoa học, biến đổi khí hậu có thể góp phần làm tuyệt chủng 1/3 số loài vào năm 2050, bao gồm rất nhiều loài từng được cho là miễn dịch với hiểm họa tuyệt chủng. Điều này gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe hệ sinh thái, sinh kế của loài người và sự phát triển kinh tế.
Nghiên cứu của ELI cũng nhấn mạnh, tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu có thể khiến 30% số loài bị tuyệt chủng, hơn 20% loài động vật và thực vật bị đe dọa tuyệt chủng khi nhiệt độ tăng từ 2 đến 3 độ C, số lượng cá thể các loài quý hiếm suy giảm đáng kể.
Đặc biệt, ELI đã chỉ ra bốn tác động cơ bản của biến đổi khí hậu xâm hại đến đa dạng sinh học, bao gồm các tác động về nhiệt độ tăng, thay đổi chế độ và lượng mưa, tăng tần suất thiên tai và nước biển dâng. Mỗi một tác động lại tương ứng với các biểu hiện và mức độ xâm hại cụ thể. Đơn cử, tác động nhiệt độ tăng cao với các biểu hiện tăng số ngày nóng, băng tan, nhiệt độ nước tăng, giảm độ che phủ của tuyết khiến tình trạng khô hạn thêm trầm trọng, tình trạng nhiễm mặn gia tăng, chế độ thủy văn bị thay đổi, nhiều loài sinh vật biển cũng bị mất môi trường sống…
Nhu cầu quản lý đa dạng sinh học thích nghi với biến đổi khí hậu
Thực tế trên đã và đang diễn ra tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặt ra nhu cầu cấp thiết trong việc cần phải nhanh chóng hành động để bảo vệ đa dạng sinh học trước tác động của biến đổi khí hậu. Để giải quyết vấn đề này, ELI cho rằng, hiến pháp, luật, các quy định, kế hoạch quản lý, quy định cấp phép, văn bản hướng dẫn và các công cụ pháp luật khác đóng một vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt, cần vươn tới sự thích nghi với biến đổi khí hậu chứ không chỉ dừng ở mức độ giảm thiểu.
Hai khái niệm giao thoa này được ELI phân biệt rất rõ. Thích nghi biến đổi khí hậu là thuật ngữ dùng để chỉ những ảnh hưởng và hậu quả của biến đổi khí hậu và các biện pháp đối phó với các tác động này. Bằng việc đánh giá và cải thiện khung pháp luật quản lý đa dạng sinh học, các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý và các bên liên quan có thể phát triển một kế hoạch và chiến lược dự tính trước để giảm thiệt hại của biến đổi khí hậu cũng như đối phó với các tác động của hiện tượng này. Trong khi đó, giảm nhẹ tập trung nhiều hơn vào những giải pháp nhằm cắt giảm khí thải nhà kính – vốn được xem như một nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu.
Bước đầu tiên để thực hiện việc xây dựng luật pháp và chính sách quản lý thích nghi – theo ELI – phải đánh giá được những điểm mạnh yếu trong hệ thống pháp luật hiện hành để xác định các lĩnh vực ưu tiên cho việc cải cách. Biến đổi khí hậu tác động đến tất cả các lĩnh vực của việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và tất cả các hình thức bảo vệ môi trường nên việc đánh giá khả năng thích nghi trong đối tượng điều chỉnh của pháp luật về các mục tiêu đa dạng sinh học cần được triển khai trên diện rộng.
Kế hoạch đánh giá có thể bắt đầu với một danh sách kiểm kê và phân loại các luật phù hợp như: Luật môi trường khung, đánh giá tác động môi trường, nước, quy hoạch và phân vùng sử dụng đất, nông nghiệp và chăn nuôi, lâm nghiệp, vùng ven biển, đánh bắt nuôi trồng thủy sản, mỏ và khai khoáng, các khu bảo tồn, động vật hoang dã và buôn bán động vật hoang dã, quản lý thảm họa và các quy hoạch ứng phó sẵn sàng trường hợp khẩn cấp, các lĩnh vực khác như bảo hiểm, sức khỏe cộng đồng, hợp đồng và bất động sản.
Khi tiến hành xong việc kiểm kê các luật và quy chế phù hợp đang được thực hiện thì cần triển khai bước tiếp theo là phải phân tích khoảng trống nhằm xác định các vấn đề luật cần điều chỉnh hoặc sửa đổi, bổ sung liên quan đến đa dạng sinh học để thích nghi với tác động biến đổi khí hậu. Các bước tiếp theo trong chu trình quản lý thích nghi sẽ là thiết kế các biện pháp, thực thi quản lý như một thử nghiệm, rồi lại tiếp tục đánh giá hiệu quả và tiếp tục điều chỉnh các chiến lược cần thiết.
Các lựa chọn để thực thi quản lý đa dạng sinh học thích nghi
Không chỉ trình bày về phương pháp thực hiện quản lý đa dạng sinh học thích nghi, ELI còn xây dựng các lựa chọn cụ thể để các nhà hoạch định chính sách có thể đảm bảo quản lý đa dạng sinh học một cách linh hoạt và có trách nhiệm bằng việc thực hiện các sửa đổi chiến lược về luật pháp và chính sách cũng như việc đề xuất các giải pháp thể chế mới.
Sử dụng khung pháp luật hiện hành
Nếu lựa chọn phương án này, các quốc gia nên xây dựng chiến lược quản lý thích nghi dựa trên các chương trình và khung pháp lý hiện hành, đồng thời tận dụng mọi cơ hội để bổ sung các nguyên tắc về quản lý thích nghi khi các luật được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Các luật cụ thể nên được đánh giá riêng rẽ về khả năng thích nghi và các điểm yếu chính, các biện pháp thích nghi có thể được lồng ghép như là sự bổ sung cho thẩm quyền pháp lý hiện hành hoặc được thực hiện dưới hình thức các nghị định, pháp lệnh, chính sách hoặc các công cụ có tính chất pháp lý thích nghi.
Cải cách hệ thống thông qua ban hành thẩm quyền pháp lý mới
Ngoài việc sử dụng chiến lược các luật và chính sách riêng rẽ nhằm mục tiêu tăng cường năng lực quản lý đa dạng sinh học thích nghi với biến đổi khí hậu, các nhà hoạch định chính sách có thể ban hành một Luật thích nghi áp dụng chung cho tất cả các bộ, xuyên suốt các nguồn tài nguyên, các thể chế và lĩnh vực.
Luật này có thể trao cho các nhà quản lý và người sử dụng tài nguyên thẩm quyền và nhiệm vụ rõ ràng để kết hợp khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu vào trong hàng loạt các hoạt động điều hành quản lý rộng rãi. Luật sẽ gồm các công cụ nguồn để giám sát, thử nghiệm, đánh giá định kỳ, sửa đổi khung pháp lý dựa trên các bài học kinh nghiệm.
Lựa chọn công cụ pháp luật và chính sách để quản lý thích nghi
Theo ELI, có tất thảy 6 nhóm lựa chọn được xây dựng nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách hoàn thiện khung pháp lý trong việc quản lý đa dạng sinh học thích nghi với biến đổi khí hậu. Những lựa chọn này không nên được thực hiện tất cả cùng lúc, thậm chí trên thực tế, một vài lựa chọn sẽ không phù hợp hoặc là thừa. Nhiệm vụ của người sử dụng là phải cân nhắc việc áp dụng những lựa chọn sao cho hữu ích, khả thi và phù hợp.
Các lựa chọn được sắp xếp theo 6 nhóm, gồm: tổ chức thể chế để thích nghi; xây dựng tính chịu trách nhiệm cho các chương trình quản lý thích nghi; sử dụng các quyền và đảm bảo hợp pháp để thúc đẩy việc thích nghi; thiết kế các khu bảo tồn thích nghi với khí hậu; phân quyền việc thích nghi cho các chính quyền và cộng đồng địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực thích nghi của khu vực tư nhân.
Ở mỗi một nhóm, ELI đều đưa ra các lựa chọn cụ thể, tựa như những biện pháp mang tính hướng dẫn chi tiết cho mỗi quốc gia, khu vực. Đơn cử như với nhóm lựa chọn tổ chức thể chế để thích nghi, các lựa chọn lần lượt được gợi ý bao gồm: 1- Thiết lập các cơ quan liên ngành đối với các vấn đề biến đổi khí hậu, 2- Giao trách nhiệm cho các bộ để xem xét biến đổi khí hậu trong từng hoạt động và chương trình, 3- Thành lập cơ quan điều phối vùng tồn tại độc lập với các cơ quan điều hành hiện hành để đáp ứng các nhu cầu chính sách thích nghi mà các chương trình điều chỉnh hiện hành không bao gồm, 4- Thiết lập các trung tâm thông tin về biến đổi khí hậu như hệ thống cảnh báo sớm, hệ thống giám sát khí hậu, 5- Thành lập một ủy ban liên bộ về thích nghi với biến đổi khí hậu để thực hiện các trách nhiệm thực thi, 6- Thành lập một ủy ban các chuyên gia khoa học để xây dựng các đề xuất cho các ưu tiên thích nghi của đa dạng sinh học cho các tổ chức phi chính phủ, khối tư nhân và doanh nghiệp, 7 – Thúc đẩy tăng cường các thẩm quyền quốc tế hiện hành để điều phối và hỗ trợ hoặc tạo ra các ban thư ký thích nghi quốc tế nhằm thúc đẩy thích nghi với khí hậu xuyên biên giới, 8- Tham gia các biên bản ghi nhớ hay thỏa thuận giữa các cơ quan, đơn vị về thích nghi, 9 – Lồng ghép các vấn đề khí hậu và các chương trình đa dạng sinh học vào trong tất cả các quy trình kế hoạch cấp quốc gia phù hợp, 10 – Thiết lập chương trình đối tác giữa các cơ quan nghiên cứu, khoa học, tổ chức phi chính phủ môi trường để giám sát và nghiên cứu các tác động của biến đổi khí hậu.
Cơ hội áp dụng quản lý thích nghi tại Việt Nam
Tại hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển bền vững (LPSD) phối hợp cùng ELI tổ chức trong hai ngày 24-25/8, vấn đề quản lý đa dạng sinh học thích nghi đã được đưa ra thảo luận sôi nổi với sự góp mặt của nhiều nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý nguồn tài nguyên, nhà nghiên cứu và các tổ chức xã hội dân sự.
Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những tác động rất lớn tới đa dạng sinh học của Việt Nam, không chỉ làm gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn mà còn làm thay đổi chức năng hệ sinh thái, giảm tính bền vững của chuỗi thức ăn, thu hẹp môi trường sống các loài và thay đổi tập tính di cư, sinh sản của chúng…
Theo nhận định của TS.Nguyễn Hữu Ninh (Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Môi trường thuộc Liên hiệp hội khoa học kĩ thuật Việt Nam), nguyên nhân quan trọng làm gia tăng các tác động của biến đổi khí hậu đối với đa dạng sinh học Việt Nam là nạn phá rừng, không chỉ rừng ở đất liền mà còn các khu rừng ngập mặn ven biển. Bên cạnh đó, những bất cập trong chính sách quản lý đất đai và tính thực thi luật đa dạng sinh học cũng như các văn bản dưới luật còn yếu cũng là nguyên nhân thúc đẩy những tác động tiêu cực.
Bàn về cơ hội lồng ghép, áp dụng phương thức quản lý thích nghi vào trong khung pháp luật và chính sách về quản lý đa dạng sinh học tại Việt Nam, TS. Vũ Thu Hạnh (Đại học Luật Hà Nội), một trong những thành viên tham gia nghiên cứu “Các công cụ chính sách và pháp luật để quản lý đa dạng sinh học thích nghi với biến đổi khí hậu” cho biết, điều này là rất cần thiết.
Bà Hạnh nhấn mạnh: “Tại Việt Nam, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam đã hình thành và tương đối phát triển, pháp luật về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học cũng đang từng bước hình thành nhưng lồng ghép hai yếu tố đó vào trong chính sách và pháp luật thì chúng ta chưa đặt vấn đề một cách đầy đủ. Ví dụ, Luật môi trường có 8 chính sách nhưng cả 8 chính sách đều không nói rõ đến việc phải thích ứng với biến đổi khí hậu ra sao, luật đa dạng sinh học cũng có 5 chính sách nhưng không đề cập đến biến đổi khí hậu như thế nào”.
Cũng theo bà Hạnh, chúng ta cần làm rõ một số vấn đề trước khi tiến tới việc áp dụng quản lý đa dạng sinh học thích nghi với biến đổi khí hậu. Thứ nhất, Việt Nam đã có chính sách pháp luật về quản lý bảo tồn đa dạng sinh học thì liệu chúng ta có cần tính đến các yếu tố tác động của biến đổi khí hậu hay không vì có xác định được điều này, chúng ta mới tìm ra được các chính sách đặc thù cho vấn đề biến đổi khí hậu. Thứ hai, cần phải xác định nhu cầu quản lý bảo tồn đa dạng sinh học theo các mức độ khác nhau, nhu cầu nào phải được thể hiện trong chính sách, nhu cầu nào dừng lại ở mức độ dự án, chủ trương, nhu cầu nào cần phải luật hóa. Thứ ba, liệu có cần đa dạng hóa các chính sách, và các chính sách có cần phải phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng ở mỗi vùng miền?
Trên đây là những gợi mở quan trọng giúp Việt Nam tiếp cận dần với phương thức quản lý đa dạng sinh học thích nghi trước những tác động ngày càng bất thường của biến đổi khí hậu. Điều này đặc biệt quan trọng bởi Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những nước dễ tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, trong đó các giá trị đa dạng sinh học cũng ngày một suy giảm trước tác động tiêu cực của hiện tượng toàn cầu này.