ThienNhien.Net – Yêu cầu này được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh trong phiên họp chiều 24/8 về bản dự thảo Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối sản xuất thép Việt Nam đến 2020, có xét đến 2030.
Vừa thừa, vừa thiếu
Theo báo cáo về thực trạng hệ thống sản xuất và phân phối mặt hàng thép, hiện nay cả nước có 462 doanh nghiệp sản xuất, tăng gần 6 lần so với năm 2000 với tổng năng lực sản xuất mỗi năm 2,13 triệu tấn gang; 7,54 triệu tấn phôi thép; 10,875 triệu tấn thép dài; 3,35 triệu tấn thép dẹt; 2,188 triệu tấn thép ống, hộp; 2,487 triệu tấn tôn mạ.
Nếu tính quy đổi, đây là một hệ thống công suất “thừa” khi lượng sản xuất thực tế mới đạt khoảng 7,9 triệu tấn năm 2010, tăng bình quân 16,78% trong 5 năm qua.
Điều nghịch lý là trong khi thừa công suất, thì tổng lượng tiêu thụ thép các loại trong nước năm 2010 vừa qua lên tới 13,5 triệu tấn (tăng bình quân 15,09%/năm). Vì vậy, hàng năm các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu phôi thép, thép phế liệu và cả thép thành phẩm các loại khoảng 6,78 triệu tấn (chủ yếu là thép cuộn cán nóng). Đồng thời, từ năm 2008, sản phẩm thép Việt Nam bắt đầu có xuất khẩu, đến năm 2010 đạt mức 1,2 triệu tấn.
Hệ thống phân phối thép hiện nay có hơn 3.000 doanh nghiệp các loại, với các kênh phân phối đa dạng, phát triển nhanh theo hướng tăng tỷ lệ hàng cung ứng trực tiếp đến tay người tiêu dùng cuối cùng.
Theo đánh giá chung, so với mục tiêu quy hoạch phát triển của ngành (được phê duyệt tại Quyết định số 145/2007/QĐ-TTg), thì sản xuất và phân phối mặt hàng thép thời gian qua vẫn tồn tại nhiều hạn chế, trong đó có nghịch lý vừa thừa, vừa thiếu nếu xét riêng từng chủng loại sản phẩm, cơ cấu đầu tư.
Hầu hết các dự án đều sản xuất quy mô nhỏ, trình độ công nghệ, thiết bị lạc hậu, năng suất thấp, chủng loại, cơ cấu sản phẩm còn đơn điệu, thiếu sản phẩm dẹt, thép hình cỡ lớn, thép chế tạo, thép chất lượng cao,…
So với chỉ tiêu quy hoạch, hệ thống sản xuất thực tế có nhiều bất cập. Trong khi tỷ lệ đầu tư cho sản xuất gang mới chỉ đạt 30%, phôi thép đạt 82,5% thì thép thành phẩm lại vượt so với quy hoạch gần 15%.
Bên cạnh đó, hệ thống phân phối có cấu trúc bất hợp lý, vẫn tồn tại nhiều cấp trung gian là một nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong quản lý thị trường, khả năng dự báo thị trường, giá cả hạn chế, chưa xây dựng được một số nhà phân phối lớn, chuyên nghiệp đủ sức bình ổn được thị trường, thị trường tồn tại nhiều loại thép kém chất lượng, nhái nhãn mác…
Đảm bảo thay đổi về chất, ổn định thị trường
Các ý kiến đánh giá về bản dự thảo Quy hoạch do Bộ Công Thương trình đều thống nhất mục tiêu chung là đã đến lúc cần rà soát lại và phát triển ngành thép Việt Nam theo hướng đáp ứng đủ và kịp thời về số lượng và chủng loại các sản phẩm thép cho nền kinh tế, đảm bảo bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu thép, cân đối đầu tư vào các sản phẩm, từng bước xuất khẩu tạo nguồn ngoại tệ.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ, bản quy hoạch thể hiện rõ quan điểm phát triển ngành thép là phải thay đổi về chất. Trước hết, thay thế công nghệ hiện nay bằng các công nghệ hiện đại, có tính bền vững, đảm bảo môi trường, cân đối năng lượng. Tiếp theo, thay đổi quy mô sản xuất hài hòa, đa dạng về chủng loại đáp ứng mọi nhu cầu và một hệ thống phân phối cạnh tranh, tạo cơ chế đảm bảo yêu cầu bình ổn thị trường khi cần thiết.
Trên cơ sở lấy ý kiến thẩm định các Bộ, ngành liên quan, Bộ Công Thương triển khai các bước cần thiết trong xây dựng quy hoạch, đặc biệt là các giải pháp về đầu tư, bảo đảm nguồn nguyên liệu, năng lượng, giải pháp phát triển thị trường, xuất, nhập khẩu, giải pháp về công nghệ, đánh giá tác động môi trường. Những giải pháp này phải có tính tương thích, khắc phục được các hạn chế của ngành thép hiện nay ở cả khâu sản xuất lẫn phân phối. Trong đó chú ý xây dựng các mục tiêu, danh mục có tính “quy hoạch cứng” đối với hệ thống sản xuất, vốn đầu tư, công suất, quy mô, thị trường và phương thức phân phối từng mặt hàng cụ thể như gang, sắt xốp, phôi thép, thép thành phẩm…
Phó Thủ tướng cũng lưu ý quá trình xây dựng quy hoạch, các địa phương rà soát các dự án ngành thép, nếu đang trong giai đoạn chưa triển khai đầu tư thì cần xử lý, đảm bảo đáp ứng các điều kiện phù hợp với bản quy hoạch mới sẽ được ban hành trong thời gian tới.