ThienNhien.Net – Suốt những thập kỷ qua, hoạt động bảo tồn đa cấp độ đã mang lại những tác động tích cực đối với nhiều loài nguy cấp trên thế giới. Mặc dù chưa đẩy lùi được dòng chảy của cuộc đại khủng hoảng tuyệt chủng, song ít nhiều công tác bảo tồn đã gặt hái được những thành công nhất định trong bối cảnh ảm đạm của tình trạng suy giảm đa dạng sinh học đáng báo động hiện nay.
Đây là kết luận được đưa ra trong một công trình nghiên cứu đăng trên tờ Trends in Ecology and Evolution cùng thông điệp “đừng nguôi hy vọng” vào bảo tồn.
Theo công trình này thì các hoạt động bảo tồn thường được phân ra làm ba cấp độ. Bảo tồn ở cấp độ vi mô tập trung vào một loài hoặc một hệ sinh thái đơn lẻ; nằm ở cấp độ trung bình là các nỗ lực hợp tác bảo tồn giữa nhiều quốc gia, chẳng hạn như những nỗ lực nhằm hạn chế hoạt động buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã hoặc bảo vệ loài có phân bố rộng rãi; và sau cùng là cấp độ vĩ mô – với sự tham gia của các tổ chức hay các cuộc vận động toàn cầu, chẳng hạn như gây sức ép cho các công ty đa quốc gia để họ phát triển theo hướng thân thiện hơn với đa dạng sinh học.
Có thể nói, các khu bảo tồn quốc gia – nơi bảo tồn diễn ra ở cấp độ vi mô – chính là nơi chúng kiến những thành tựu đáng kể nhất của giới bảo tồn. Hiện trên thế giới đã có hơn 100.000 khu bảo tồn dưới hình thức vườn quốc gia, khu trú ẩn động vật hoang dã, khu dự trữ săn bắn, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn động vật hoang dã…, chiếm diện tích khoảng 19 triệu km2.
Để làm rõ vai trò của các khu bảo tồn, công trình nói trên đã lấy Vườn Quốc gia Bardia (Nepal) làm nghiên cứu điểm. Các tác giả cho biết: “Kể từ khi ra đời, Vườn Quốc gia Bardia (Nepal) đã nâng mật độ quần thể thú móng guốc lên gấp 4 lần chỉ trong vòng 22 năm; và sự gia tăng số lượng con mồi từ nỗ lực này đã là tiền đề khiến số lượng quần thể hổ (Panthera tigris) đang nguy cấp và báo (Panthera pardus) bị đe dọa gia tăng”.
Thêm nữa, các khu bảo tồn cũng góp phần quan trọng vào nỗ lực hạn chế nạn phá rừng, điển hình là ở khu vực Amazon thuộc Brazil. Giai đoạn 2002 – 2009, ước tính tỷ lệ phá rừng của Brazil đã giảm tới 37% nhờ bảo tồn thành công 709.000km2 rừng trong các khu bảo tồn mới thành lập.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho rằng nhiều khu bảo tồn trên thực tế chỉ là “những khu bảo tồn trên giấy”. Rõ ràng chúng được giao sứ mệnh bảo tồn loài nhưng lại không được nhận đủ vốn và nhân lực từ Chính phủ để có thể ngăn nạn phá rừng, săn bắn động vật trái phép cũng như các hoạt động khác gây tác động tiêu cực tới đa dạng sinh học.
Ngoài ra, nếu chỉ đơn giản là bảo tồn nơi cư trú thì sẽ không thể cứu được nhiều loài. Đôi khi, những hình thức can thiệp của bảo tồn như phục hồi, tái trồng rừng, tái du nhập, mở rộng quần thể và diệt trừ loài xâm lấn cũng hết sức cần thiết. Ở Anh, loài bướm xanh lớn (Maculinea arion) đã thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng ở quy mô địa phương nhờ phương pháp tái du nhập loài, khôi phục nơi cư trú và thắt chặt quản lý. Những nỗ lực tập trung nhiều hình thức can thiệp tương tự như vậy cũng đã cứu nhiều loài trên thế giới khỏi nguy cơ tuyệt chủng, như chim chích Seychelles (Copsychus sechellarum) và cự đà xanh (Cyclura lewisi).
Các hoạt động bảo tồn ở cấp độ trung bình giữa các quốc gia cũng tương đối khởi sắc. Hoạt động này triển khai thông qua các khu bảo tồn mở rộng, vượt ra khỏi biên giới quốc gia nhằm mục tiêu bảo vệ tất cả các hệ sinh thái và các loài chủ chốt. Các vườn quốc gia tiếp giáp nhau tại Khu sinh cảnh Virunga (Cộng hòa Dân chủ Congo, Uganda và Rwanda) đã thành công trong việc tăng số lượng voi và khỉ đột. Trong vòng 30 năm qua, số lượng khỉ đột núi (Gorilla beringei beringei) đã tăng từ 250 lên 480 cá thể.
Tuy nhiên, các hoạt động bảo tồn lớn nhất vẫn là các nỗ lực triển khai trên quy mô toàn cầu. Hoạt động bảo tồn ở cấp độ vĩ mô gần đây đang nhắm vào các công ty đa quốc gia – nơi gánh một phần trách nhiệm đối với sự mất mát đa dạng sinh học, đặc biệt là mất rừng. Sức ép từ những nhóm hoạt động và người tiêu dùng đã buộc một số lượng lớn doanh nghiệp phải thay đổi phương thức hoạt động. Trong đó, tác động đáng kể nhất là tới ngành công nghiệp đậu nành và gia súc ở khu vực Amazon, bột gỗ và giấy ở Sumatra và nạn khai thác gỗ trái phép ở Madagascar.
Đôi khi, sức ép từ cộng đồng người tiêu dùng ở các nước phát triển cũng đẩy hoạt động bảo tồn tiến xa thêm hàng nghìn dặm. Sức ép đó, thường dưới hình thức tẩy chay dòng sản phẩm do phá rừng mà có, đang làm thay đổi các chuỗi cung ứng. Các công nghệ mới, chẳng hạn như Google Earth, cũng giúp việc truy tìm dấu vết phá rừng trở nên dễ dàng hơn và kết nối nhanh hơn với các công ty tại địa phương. Và quyết định không phê chuẩn các khoản vay của những dự án lâm nghiệp thiếu đạo đức cũng như yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt chứng nhận sinh thái mà các ngân hàng đa quốc gia, như Citigroup, cung cấp chắc chắn cũng sẽ có lợi cho đa dạng sinh học.
Ngoài ra, một số chính phủ đã bổ sung các quy định mới với kỳ vọng củng cố đa dạng sinh học, điển hình là các đạo luật đối với giấy phép mua – bán gỗ khai thác trái phép trong nội địa của Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu (EU). Úc cũng đang cân nhắc việc ban hành một đạo luật tương tự.
Về phía các tổ chức quốc tế, như Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) vốn làm nhiệm vụ đánh giá mức độ nguy cấp của loài và Công ước Buôn bán Quốc tế Các loài Động Thực vật Hoang dã Nguy cấp (CITES) chịu trách nhiệm xác định tính hợp pháp của hoạt động buôn bán các loài, cũng không ngừng đóng góp vào những nỗ lực bảo tồn và đóng góp cho đa dạng sinh học, ngay cả khi hoạt động ấy vẫn còn thiếu sót do không đủ vốn hoặc vẫn chưa được thực thi nghiêm ngặt.
Đáng lưu ý là nhóm nghiên cứu tỏ ra khá lạc quan về sáng kiến Giảm khí thải từ nạn phá rừng, suy thoái rừng (REDD) của Liên Hợp quốc (UN). Nhóm khẳng định: “Nếu triển khai một cách cẩn trọng, các khoản đầu tư từ REDD có thể hỗ trợ bảo tồn những “điểm nóng” đa dạng sinh học – nơi cư trú của nhiều loài nguy cấp”.
Rốt cuộc, không thể phủ nhận rằng bảo tồn đang giúp duy trì sự sống trên Trái đất và những thành công của nó nên được tiếp tục kế thừa, phát huy. Từng có ít nhất 16 loài chim ở 5 châu lục nhiều khả năng đã bị tuyệt chủng trong giai đoạn 1994 – 2004 nếu không có hoạt động bảo tồn. Thêm vào đó, một số lượng đáng kể các loài lớn – từ đại bàng hói (Haliaeetus leucocephalus) đến khỉ vàng sư tử Tamarin (Leontopithecus rosalia), từ cá voi xám Thái Bình Dương (Eschrichtius robustus) đến linh dương sừng thẳng Ả Rập (Eschrichtius robustus) – cũng đã được giải cứu nhờ những nỗ lực tập trung ở nhiều cấp độ khác nhau.
Thật khó để xác định có bao nhiêu loài được giới bảo tồn cứu khỏi nguy cơ tuyệt chủng, song càng khó hơn để hình dung ra tình trạng của các loài động vật như hổ, voi, khỉ đột và gấu trúc nếu không có sự kiên trì trợ giúp của giới bảo tồn, nhất là trong bối cảnh các mối đe dọa đang bủa vây lấy chúng.
Hoan nghênh hoạt động bảo tồn và ghi nhận những thành công trong bảo tồn, nhưng công trình nghiên cứu trên không cho rằng các nhà bảo tồn nên lạc quan và tự mãn, mà trái lại “họ nên tự mình nhìn lại và nhân đôi nỗ lực ở tất cả mọi cấp độ bảo tồn”, đồng thời đem lại hy vọng và truyền cảm hứng cho cộng đồng tiếp tục những nỗ lực của họ. Nghiên cứu cũng khuyến nghị rằng bảo tồn không chỉ được củng cố từ những thành công trong quá khứ, mà còn phải tìm ra những bài học và giám sát được cả những thành công và thất bại trong tương lai. May mắn là giờ đây chúng ta đã có bộ công cụ đánh giá các dự án bảo tồn. Kết quả từ cả các dự án bảo tồn thành công và thất bại nên được phổ biến rộng rãi đi kèm với việc đầu tư dài hạn cùng những mục tiêu rõ ràng để tiến đến thành công.