ThienNhien.Net – Chất thải y tế là nguồn tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nguy hại. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay rất nhiều cơ sở y tế không có hệ thống xử lý chất thải trước khi xả ra môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lan truyền mầm bệnh trong cộng đồng dân cư.
TPHCM là nơi tập trung nhiều bệnh viện từ trung ương đến địa phương, đầu mối chăm sóc sức khỏe cho người dân của 20 tỉnh, thành phía Nam. Tuy nhiên, số bệnh viện đầu tư xây dựng hệ thống xửa lý nước thải chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nên chất thải chủ yếu được xả thẳng ra môi trường.
Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, mỗi ngày các bệnh viện đóng trên địa bàn thành phố thải ra môi trường khoảng 23.000m3 nước thải y tế. Nước thải chưa qua xử lý tại 322 trạm y tế phường xã đang xả thẳng vào cống thoát nước chung.
Trước thực trạng đó, ông Phạm Việt Thanh – Giám đốc Sở Y tế TPHCM – đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế trên địa bàn từ nay đến cuối năm 2011, chậm nhất là cuối năm 2012 phải có hệ thống xử lý nước thải y tế đạt chuẩn, nếu đơn vị nào xả thải ra môi trường không đạt thì phải đóng cửa.
Không riêng gì tại TPHCM, tại Hà Nội và hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, chất thải y tế vẫn là một vấn đề tồn tại lâu nay.
Theo thống kê cuối tháng 5/2011, Hà Nội có tổng cộng 60 bệnh viện trực thuộc thành phố, bao gồm 40 bệnh viện công và 20 bệnh viện tư nhân. Tuy nhiên, chỉ có 14/40 bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải rắn, 15 đơn vị đã có hệ thống xử lý chất thải lỏng hoàn chỉnh theo công nghệ lắng lọc. Các bệnh viện còn lại đều chưa có hệ thống xử lý chất thải.