ThienNhien.Net – Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây đã ký ban hành 6 thông tư về quy trình kỹ thuật quan trắc đối với 6 thành phần môi trường gồm: đất, nước mưa, nước biển, nước dưới đất, nước mặt lục địa, môi trường không khí xung quanh và tiếng ồn.
Cả 6 quy trình quan trắc đều được thực hiện theo ba bước: xác định mục tiêu; thiết kế chương trình; thực hiện chương trình quan trắc, và đều có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2011.
Ở phần xác định mục tiêu, tuy khác nhau trong từng lĩnh vực nhưng cả 6 quy trình đều hướng đến việc đánh giá chất lượng/hiện trạng môi trường; xác định mức độ ô nhiễm; và đưa ra cảnh báo/dự báo xu hướng thay đổi trước mắt cũng như lâu dài.
Trong khi đó, nhiệm vụ của phần thiết kế chương trình quan trắc được quy định chi tiết hơn, tập trung vào việc xác định kiểu quan trắc; địa điểm quan trắc; lựa chọn thông số quan trắc; thời gian và tần suất quan trắc; lập kế hoạch quan trắc.
Điểm đáng lưu ý trong nhiệm vụ này là tần suất quan trắc phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như thời tiết/mùa, thông số quan trắc, điều kiện quan trắc… Đơn cử như cùng một quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường nước dưới đất nhưng ở trong điều kiện khác nhau sẽ tiến hành quan trắc ít nhất 2 lần/năm hoặc 1 lần/tháng; hoặc quan trắc 1 lần/3-5 năm đối với nhóm thông số biến đổi chậm và 1 lần/năm đối với nhóm thông số biến đổi nhanh (môi trường đất)…
Với bước thực hiện chương trình quan trắc, 6 quy trình cũng đều phải chuẩn bị; lấy mẫu, đo và phân tích tại hiện trường; bảo quản và vận chuyển mẫu; phân tích trong phòng thí nghiệm; xử lý số liệu và báo cáo.