Dân số – vấn đề lớn của thế giới

ThienNhien.Net – Liên Hợp quốc (UN) cho biết, ngày 31/10 sẽ là thời điểm đánh dấu sự chào đời của thành viên thứ 7 tỷ trên Trái đất. Nhiều khả năng đây sẽ là một bé trai xuất thân từ gia đình theo đạo Hindu tại một ngôi làng thuộc Uttar Pradesh, bang đông dân nhất và cũng là bang nghèo nhất Ấn Độ. Tuy có thể tiếp cận nguồn nước uống sạch, song có lẽ cậu bé sẽ không được sử dụng điện và nhà vệ sinh, thậm chí cơ hội học đọc, học viết khi cậu bé trưởng thành cũng chỉ ở quãng 60%.

Sự ra đời của thành viên thứ 7 tỷ trên Trái đất đặt ra nhiều quan ngại và nghi vấn về khả năng đáp ứng của Trái đất, vốn được cho là đã gần đạt tới điểm bão hòa.

Liệu tỷ lệ gia tăng dân số có vượt khỏi tầm kiểm soát?

Kể từ đầu thế kỷ XX, dân số toàn cầu đã gia tăng một cách chóng mặt. Mốc 1 tỷ người được đánh dấu vào thời điểm năm 1804 và loài người chỉ mất 100 năm nữa để gấp đôi con số đó, nhưng khoảng thời gian để dân số tăng lên 3 tỷ, 4 tỷ… và đến giờ sắp bước sang con số 7 tỷ ngày càng rút ngắn. Cho dù tình trạng bùng nổ dân số đang có chiều hướng chậm lại thì viễn cảnh dân số cũng chưa thể xán lạn hơn.

Trước thực tế số phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ tăng lên chưa từng có, Liên Hợp quốc đã dự đoán rằng dân số toàn cầu sẽ duy trì mức tăng trưởng này ít nhất là đến cuối thế kỷ XXI.

Mức sinh thay thế (Replacement levels) là mức sinh mà một đoàn hệ phụ nữ trung bình có vừa đủ số con gái để “thay thế” họ trong quá trình tái sinh sản dân số. Một dân số đã đạt mức sinh thay thế hoặc dưới mức sinh thay thế có thể tiếp tục tăng về số lượng sinh trong vài thập kỷ, bởi vì mức sinh cao trong quá khứ dẫn đến sự tập trung cao số phụ nữ trong các độ tuổi sinh đẻ và do vậy tổng số sinh tiếp tục vượt quá tổng số chết. Nói cách khác, mức sinh thay thế của dân số là mức sinh có khả năng đảm bảo một phụ nữ trong cả đời người có thể sinh được một người con gái để thay thế mình với điều kiện người con gái đó sống được đến độ tuổi người mẹ khi sinh ra mình. Trong dân số học, một mức sinh có tổng tỷ suất sinh (số con sinh sống bình quân của một người phụ nữ trong suốt cả cuộc đời, nếu người phụ nữ đó trong suốt thời kỳ sinh đẻ tuân theo tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi) = 2,1 được coi là mức sinh thay thế, mức sinh thay thế là một trong những điều kiện của mô hình dân số dừng (ổn định).

(Theo Thongkedanso.binhthuan.gov.vn)

Còn theo Nadia Zlotnick, giám đốc bộ phận Dân số của UN, thì mọi thứ còn có thể tồi tệ hơn nhiều nếu không tạo ra những chuyển biến nhanh chóng trong đời sống của người phụ nữ.

Hiện nay, phụ nữ đã được giáo dục tốt hơn, có nhiều cơ hội làm việc hơn đi kèm với nhiều sức ép hơn, đồng thời cũng được tiếp cận thường xuyên hơn với các phương tiện kiểm soát sinh nở. Và kết quả là tỷ lệ sinh trong hai thế hệ vừa qua đã giảm đáng kể. Số trẻ mà họ sinh ra giờ chỉ bằng một nửa con số của những năm 1960 và chỉ nhiều hơn một chút so với mức cần để thay thế và duy trì số dân hiện tại.

Tuy nhiên, mức giảm tỷ lệ sinh đã chững lại ở 48 quốc gia chậm phát triển nhất thế giới, và tỷ lệ này cao hơn nhiều mức sinh thay thế (*). Rất có thể cho đến tận cuối thế kỷ XXI, phần lớn lượng gia tăng dân số của thế giới sẽ nằm ở chính những nước này, kéo theo sau nó là sự nghèo đói và khoảng cách chênh lệch về kinh tế, xã hội giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.

7 tỷ người có là quá nhiều để duy trì một hành tinh bền vững?

Các nhà nhân khẩu học đã và đang nỗ lực trả lời câu hỏi trên kể từ khi nhà kinh tế học người Anh Thomas Malthus tuyên bố năm 1798 rằng các nhân tố như chiến tranh, bệnh tật, nạn đói sẽ ngăn dân số ngừng tăng trong một thời gian dài. Mặc dù vẫn chưa tìm được đáp án thỏa đáng, nhưng nhiều chuyên gia đã khẳng định rằng có một vấn đề cũng nghiêm trọng không kém dân số, đó là mức tiêu thụ.

Về điều này, Bob Engleman, giám đốc điều hành Viện Quan sát Thế giới (WI), chia sẻ: “Nếu không ép buộc thì khó có thể làm gì để đẩy nhanh việc giảm tỷ lệ sinh. Tuy nhiên, việc giảm lượng tiêu thụ có thể cung cấp nguồn cứu trợ gần như ngay lập tức cho một hành tinh đông đúc như hiện nay”.

Ở điểm này thì có thể coi Trung Quốc là một trường hợp tiêu biểu. Tuy quy mô dân số ở Trung Quốc nhiều năm qua đã đạt được mức sinh thay thế, song lượng phát thải các-bon vẫn không ngừng tăng lên. Ngay bản thân các nước phát triển cũng tiêu thụ nhiều hơn mức phân bổ công bằng dựa trên quy mô dân số.

Theo Học viện Môi trường thuộc Đại học Princeton (Hoa Kỳ), 7% số người giàu nhất thế giới chính là “thủ phạm” tạo ra 50% lượng phát thải các-bon toàn cầu, trong khi 50% số người nghèo nhất mới chỉ tạo ra 7% lượng phát thải.

Xét trên phương diện lương thực, Joel Cohen, tác giả cuốn sách How Many People Can the Earth Support (Tạm dịch là: Trái đất có thể nuôi sống được bao nhiêu người?), khẳng định rằng thế giới đủ chỗ để trồng lúa gạo nuôi sống 10 tỷ người có “chế độ ăn chay hợp lý”, nhưng cái khó là phân phối chúng như thế nào mà thôi. Như đã thấy, rõ ràng hơn một nửa diện tích đó đã được dùng cho sản xuất nhiên liệu hoặc sản xuất thịt cung cấp cho bữa ăn của những nước giàu.

Sự già hóa dân số ở các nước phát triển nghiêm trọng tới mức nào?

Trong thời gian gần đây, tỷ lệ sinh ở các nước phát triển luôn ở dưới mức sinh thay thế, cho thấy một cơ cấu dân số ngày càng già đi. Dự đoán, cơ cấu dân số già sẽ gây áp lực trầm trọng đối với hệ thống kinh tế – xã hội của các nước này.

Đơn cử như tại Nhật Bản, nơi gần ¼ dân số đã ở độ tuổi 65 hoặc trên 65, nếu khuynh hướng ấy tiếp tục kéo dài thì đến năm 2050, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động so với người quá tuổi lao động ở nước Nhật sẽ chỉ còn 1:1; tương tự, năm 2050 tỷ lệ này ở Canada sẽ là 2:1.

“Tất nhiên chẳng dễ dàng gì tìm ra cách giải quyết. Thậm chí sắp tới, tình trạng căng thẳng thực sự sẽ xuất hiện và ngày càng gia tăng” – Carl Haub, nhà nhân khẩu học cấp cao của Văn phòng Tham chiếu Dân số (PRB), khẳng định.

Tháng 10 này dân số thế giới sẽ chạm mốc 7 tỷ người (Ảnh minh họa: Squidoo.com)

Theo ông, khi người phụ nữ quyết định sinh ít hơn thì rất khó thuyết phục họ sinh thêm con, do đó nhập cư là cách duy nhất để duy trì dân số ở các nước phát triển. Nếu chính sách nhập cư thành công thì các quốc gia như Nhật Bản, nơi có truyền thống khép kín với bên ngoài, “buộc phải chấp nhận một thực tế là dân số của họ sẽ không còn đồng nhất nữa”.

Nếu tỷ lệ sinh ở các nước đang phát triển vẫn cao, tại sao không áp đặt các chương trình kiểm soát dân số khắt khe kiểu chính sách một con của Trung Quốc?

Các chương trình kiểm soát dân số, như hạn chế số lượng sinh, đã bị phản đối ngay tại Hội nghị Cairo về Dân số và Phát triển của Liên Hợp quốc năm 1994 và nhìn chung đều bị coi là hành vi vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn. Kể cả khi không bị phản đối thì ông Haub vẫn cho là những chương trình như thế chắc chắn sẽ thất bại ở các nước có tỷ lệ sinh cao nhất, vốn phần lớn nằm vùng châu Phi cận Sahara.

Do cấu trúc xã hội thường lỏng lẻo hơn nên việc thực thi các chính sách tại nhiều nước châu Phi vấp phải không ít khó khăn. Sự khao khát có một gia đình lớn, đông đúc có thể đã gắn chặt vào niềm tin tôn giáo, văn hóa, xã hội của người dân nơi đây và cực kỳ khó thay đổi. Tiêu biểu như ở Niger, người phụ nữ quan niệm gia đình 9 con mới thực sự là lý tưởng, còn người đàn ông lại muốn có tới 11 đứa con.

Vì vậy, chỉ bằng cách đảm bảo kiểm soát sinh nở hiệu quả cho khoảng 25% số phụ nữ hiện không có điều kiện tiếp cận các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, đẩy mạnh hoạt động giáo dục cũng như gia tăng độ tuổi kết hôn, các quốc gia mới mong đạt được những kết quả tốt đẹp trong tiến trình giảm áp lực dân số cho một hành tinh ngày một đông đúc.