Giảm nhẹ ảnh hưởng khủng hoảng bằng chiến lược quản lý tài nguyên

ThienNhien.Net – Các quốc gia giàu tài nguyên không nằm ngoài quy luật chịu ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng kinh tế, tuy nhiên, bài học thực tế từ sự bứt phá của một số nước cho thấy bất cứ quốc gia nào cũng có thể làm giảm nhẹ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng bằng chiến lược quản lý kinh tế hiệu quả, trong đó có chiến lược quản lý tài nguyên.

Tác động của cuộc khủng hoảng

Dư âm của cuộc khủng hoảng thị trường cho vay cầm cố dưới tiêu chuẩn của Mỹ xảy ra vào tháng 8/2007 sẽ mãi là nỗi ám ảnh đối với các thị trường và khu vực kinh tế bởi kéo theo đó là hệ lụy hàng loạt các quốc gia bị đẩy vào tình trạng suy thoái sâu. Tháng 9/2008, tình hình càng trở nên trầm trọng, kéo theo việc ngân hàng đầu tư của Hoa Kỳ mất khả năng trả nợ đúng kỳ hạn, buộc chính phủ nước này phải hỗ trợ tài chính cho công ty bảo hiểm hàng đầu quốc gia.

Các quốc gia giàu tài nguyên không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng do ít phải tiếp cận với thị trường vốn quốc tế, nhưng bản thân cuộc khủng hoảng cũng đem lại không ít bất lợi cho họ, đặc biệt là đối với những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguồn thu tài chính và giá trị xuất khẩu từ ngành công nghiệp khai thác.

(Ảnh minh họa: dabozzz.com)

Tác động đầu tiên, cũng là tác động có thể nhận thấy rõ rệt là sự khủng hoảng về giá. Vào giai đoạn đầu của thời kỳ suy thoái, giá cả hàng hóa trên thị trường toàn cầu giảm mạnh. Giá dầu thô giảm từ 137 đô la Mỹ/thùng trong tháng 7/2008 xuống còn 35 đô la Mỹ/thùng vào cuối năm; cùng thời điểm đó, giá đồng cũng hạ từ mức 4 USD/lb xuống còn 3,1USD/lb.

Quá trình suy giảm giá trị hàng hóa kéo theo sự suy giảm đáng kể các nguồn thu tài chính, đặc biệt là nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu, ảnh hưởng không nhỏ đến triển vọng tăng trưởng quốc gia. Riêng với các quốc gia lệ thuộc quá nhiều vào khu vực khai thác khoáng sản, tình trạng bất ổn càng gia tăng hơn bởi họ không có khả năng đa dạng hóa thị trường hàng hóa.

… và chiến lược thích ứng của các quốc gia giàu tài nguyên

Nguồn thu quốc gia tuy bị sụt giảm đáng kể ngay từ khi cuộc khủng hoảng giá mở màn nhưng không quá để nói rằng, cũng nhờ yếu tố khách quan đó mà các quốc gia giàu tài nguyên có cơ hội để thực hiện chiến lược cắt giảm chi tiêu công. Điển hình là quốc gia dầu mỏ, trong những năm 1980, hàng loạt các quốc gia sở hữu lượng lớn “vàng đen” trên thế giới đã cắt giảm mạnh chi tiêu ngân sách thông qua việc xóa bỏ tạm thời một số sản phẩm và dịch vụ công.

Không chỉ học cách đối phó với khủng hoảng bằng việc cắt giảm chi tiêu, các quốc gia giàu tài nguyên còn áp dụng khá mau lẹ chiến lược kiềm chế tài khóa trong cả giai đoạn hậu khủng hoảng, thậm chí đến cả ngày nay. Kinh nghiệm này có lẽ được đúc kết qua các bài học phát triển ở mỗi một giai đoạn.

Thực tế cho thấy, khả năng kiềm chế tài khóa và khả năng quản lý tài chính của các quốc gia giàu tài nguyên trong thời kỳ khủng hoảng là chiến lược then chốt giúp họ tích lũy được nguồn dự trữ đáng kể, đồng thời kiểm soát hiệu quả nguồn chi tiêu ngân sách.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, bình quân thặng dư tài khóa của các nước xuất khẩu dầu thô đã tăng từ 0,6% trong năm 2000 lên 7,7% trong năm 2007. Chi tiêu công của các nước phụ thuộc vào nguồn tài nguyên tăng đáng kể nhưng ở mức độ chậm hơn so với giai đoạn phát triển mạnh của nền kinh tế thế giới và giảm khoảng 5% theo tỉ trọng GDP.

Đáng chú ý là các quốc gia xuất khẩu dầu lửa đã tăng được cơ bản lượng dự trữ ngoại hối và nhiều quốc gia còn thiết lập được quỹ đầu tư quốc gia hoặc mở rộng các quỹ hiện có. Tổng tài sản của các quỹ này ở các quốc gia xuất khẩu dầu lửa ước đạt hơn 2.167 tỉ đô la Mỹ vào giữa năm 2008.

Cũng nhờ nguồn dự trữ ngoại hối trong các quỹ bình ổn mà không ít quốc gia đã vượt qua được cuộc khủng hoảng một cách hiệu quả. Đáng lưu ý là các quốc gia này vẫn duy trì mức chi tiêu như trong giai đoạn trước cuộc khủng hoảng, đồng thời củng cố khu vực tài chính đang gặp khó khăn, can thiệp vào thị trường ngoại hối để ghìm giữ tỷ trọng đối với đồng đô la Mỹ, và hỗ trợ thị trường tín dụng nội địa.

Đơn cử như Chile, quốc gia đã dùng nguồn vốn dự trữ của mình để tránh tình trạng tụt dốc nghiêm trọng của nền kinh tế, trong khi Kazakhstan và Nga tận dụng nguồn thu từ dầu thô để tránh những điều chỉnh đáng kể về tài khóa và hỗ trợ các khu vực tài chính.

Chính sách tài khóa vẫn là yếu tố then chốt

Có thể nói, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ là một bài học lớn và rõ ràng nhất đối với các nhà hoạch định chính sách kinh tế trong tương lai về cách đối phó với sự biến động giá cả cũng như tình trạng bất ổn của các nguồn thu tài chính.

Lời khuyên cho các quốc gia trước một cuộc khủng hoảng là cần tích cực xây dựng và thực thi các chính sách tài khóa ngược chu kỳ để giảm bớt tác động xấu của cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế và các nhóm kinh tế dễ bị tổn thương.

Một số biện pháp phổ biến mà các chính phủ đã thực hiện để giảm thiểu tác động cuộc khủng hoảng như: tận dụng các gói kích thích tài chính để khôi phục lòng tin trong lĩnh vực tài chính, cắt giảm lãi suất, đánh giá và điều chỉnh các khoản chi ngân sách, hỗ trợ cho các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, và đa dạng hóa thông qua đầu tư vào các lĩnh vực phi truyền thống, đồng thời đẩy mạnh điều tiết trong lĩnh vực ngân hàng, và áp đặt kiểm soát ngoại hối để bảo vệ tỷ giá hối đoái.

Chile là một trong số những nước đã áp dụng khá thành công chiến lược này. Họ đã tích lũy được hơn 20 tỉ USD vào Quỹ bình ổn kinh tế và xã hội cho tới thời điểm cuộc khủng hoảng xảy ra. Tháng 11/2008, Chính phủ nước này quyết định thông qua gói hỗ trợ 1,15 tỉ đô la Mỹ để thúc đẩy cho vay đối với các gia đình có thu nhập trung bình và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tháng 1/2009, Chile tiếp tục công bố gói kích thích kinh tế trị giá 4 tỉ đô la Mỹ, bao gồm: dự án đầu tư mới của Công ty sản xuất đồng quốc gia Codelco, các dự án công trình công cộng và hỗ trợ công đối với hầu hết người dân Chile.

Nhờ vậy, sau mức suy thoái 1,2% trong năm 2009, quốc gia này đã nhanh chóng phục hồi tăng trưởng ở mốc 3,5 % vào năm 2010.