ThienNhien.Net – Bộ NN&PTNT vừa hoàn tất và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020 với tổng vốn đầu tư dự kiến 49.845 tỷ đồng.
Mục tiêu mà Kế hoạch hướng tới trong 10 năm tiếp theo là nâng độ che phủ rừng lên 42 – 43% vào năm 2015 và 44 – 45 % vào năm 2020; nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của từng loại rừng; đáp ứng cơ bản nhu cầu gỗ, lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đặt ra nhiệm vụ bảo vệ và phát triển bền vững đối với 13,388 triệu ha rừng hiện có; 1,25 triệu ha rừng khoanh nuôi tái sinh; và 1,25 triệu ha rừng trồng mới; đến năm 2015 đạt 14,273 triệu ha rừng; năm 2020 diện tích rừng đạt 15,073 triệu ha.
Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2011 – 2020, cả nước sẽ tiến hành trồng 2,6 triệu ha rừng; khoanh nuôi tái sinh 1,25 triệu ha; cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt 350.000 ha; trồng cây phân tán (500 triệu cây); nâng cao chất lượng và làm giàu rừng; diện tích rừng được cấp chứng chỉ bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế năm 2015 đạt 30% diện tích rừng có khai thác gỗ và năm 2020 đạt 90% diện tích rừng có khai thác gỗ.
Thêm điểm đáng lưu ý trong bản Kế hoạch này là nhà nước sẽ tiến hành quản lý chặt quy hoạch 3 loại rừng nhằm điều chỉnh kịp thời những bất hợp lý, đồng thời đẩy mạnh việc giao rừng ổn định lâu dài cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, đảm bảo đến năm 2015 các tổ chức nhà nước trực tiếp quản lý khoảng 50 % tổng diện tích rừng, trong đó nhà nước trực tiếp quản lý 95% diện tích rừng đặc dụng, 65% diện tích rừng phòng hộ và 30% diện tích rừng sản xuất.
Về chính sách đối với rừng phòng hộ, Kế hoạch cũng nêu rõ, cần nghiên cứu xây dựng chính sách đối với rừng phòng hộ theo hướng cho phép tất cả các thành phần kinh tế trong nước trồng, khoanh nuôi và sử dụng rừng phòng hộ theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo hướng nhà nước hỗ trợ đầu tư rừng tự nhiên nghèo kiệt và rừng mới phục hồi thông qua hình thức tín dụng ưu đãi hoặc hỗ trợ lãi suất vay thương mại.
Về thuế tài nguyên rừng, nên điều chỉnh quy định hiện hành theo hướng thuế tài nguyên rừng được sử dụng cho công tác bảo vệ và phát triển rừng của địa phương.
Theo Quyết định về việc công bố hiện trạng rừng toán quốc năm 2010 vừa được Bộ NN&PTNT ban hành, tính đến 31/12/2010, tổng diện tích rừng của nước ta là 13.388.075 ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm 10.304.816 ha; 3.083.259 ha còn lại là rừng trồng. Độ che phủ rừng toàn quốc năm 2010 đạt 39,5%, trong đó tổng diện tích rừng để tính độ che phủ là 13.030.939 ha (1.994.151 ha rừng đặc dụng; 4.775.045 ha rừng phòng hộ; 6.108.689 ha rừng trồng; và 153.054 ha rừng khác). |