ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, REDD được nhắc đến nhiều như một sáng kiến nhằm giảm phát thải các-bon do phá rừng và suy thoái rừng. Cơ chế chung của REDD là các nước công nghiệp sẽ chi trả tài chính để thực thi các biện pháp bảo vệ rừng tại các quốc gia đang phát triển. Nhiều người cho rằng REDD là một sáng kiến tốt, vừa góp phần giảm thiểu phát thải các bon từ tình trạng mất rừng, vừa đảm bảo sự công bằng giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển. Tuy nhiên, việc thực thi REDD cũng tiềm ẩn nhiều nhiều rủi ro, đặc biệt là các tác động đối với người bản địa.
Tác động của REDD đối với người bản địa
Cộng đồng người bản địa thường sinh sống và phụ thuộc trực tiếp vào các loại tài nguyên rừng như gỗ, cây thuốc, thức ăn, nước uống, nơi trú ẩn. Nhưng một khi REDD được thực thi, họ rất có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ di rời khỏi các cánh rừng như một trong những biện pháp nhằm bảo vệ rừng ở các quốc gia đang phát triển. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến vấn đề sinh kế, cuộc sống, tập quán và bản sắc văn hóa của người bản địa. Các tác động sẽ càng trở nên trầm trọng khi các quyền cơ bản của người bản địa không được quan tâm trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách.
Với những lo ngại trên, cộng đồng người bản địa tại nhiều nơi đang lên tiếng kịch liệt phản đối REDD. Không ít ý kiến cho rằng, REDD đã vi phạm quyền con người và đe dọa sự sống còn của các nền văn hóa bản địa.
Tuyên bố của Liên hiệp quốc về quyền của người bản địa
Năm 2007, Liên hiệp quốc đã thông qua Tuyên bố về quyền của người bản địa (UNDRIP) sau hơn 20 năm nỗ lực với sự trợ giúp của các đại diện cộng đồng bản địa, các chính phủ và các chuyên gia.
Tuyên bố này xác định các quyền cơ bản đảm bảo các quyền tồn tại, phát triển và được tôn trọng của người bản địa. Chính phủ các nước cũng có thể sử dụng Tuyên bố để làm căn cứ trong việc xác định và thừa nhận các quyền cơ bản của người bản địa trong phạm vi quốc gia mình.
UNDRIP (gồm 24 mục và 46 điều) đã liệt kê và giải thích tương đối đầy đủ về các quyền cơ bản của cộng đồng bản địa, trong đó có một số nội dung quan trọng như: quyền đối với đất đai, lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên; quyền được thỏa thuận dựa trên nguyên tắc tự nguyện, báo trước và cung cấp thông tin (FPIC) trong các hoạt động phát triển có ảnh hưởng đến đất đai và tài sản; và các quyền được bao gồm trong các quy định khác về quyền con người.
Nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế các tác động đối với người bản địa, UNDRIP nên được sử dụng làm căn cứ trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách về biến đổi khí hậu. Tất cả các chính sách, chương trình hay dự án được thực thi trên lãnh thổ của người bản địa cần được thực hiện với sự đồng thuận dựa trên nguyên tắc tự nguyện và được thông báo trước.
Ý nghĩa của FPIC
Một số điều khoản liên quan đến FPIC trong Tuyên bố của Liên hiệp quốc về quyền của người bản địa:
Điều 10: Không cưỡng chế di rời người bản địa khỏi vùng đất, lãnh thổ của họ và không thực hiện tái định cư nếu chưa đạt được FPIC. Điều 19: FPIC phải đảm bảo đạt được trước khi chấp nhận hoặc thực hiện các hoạt động có ảnh hưởng đến người bản địa. Điều 28: Người bản địa có quyền được đền bù khi đất đai, tài sản và tài nguyên bị thu giữ, chiếm dụng, sử dụng hoặc hư hại mà chưa đạt được FPIC. Điều 29: Không lưu giữ và thải bỏ các vật liệu nguy hại trong vùng đất của người bản địa nếu không có FPIC. Điều 32: FPIC là điều kiện cần thiết đối với việc phê duyệt các dự án có ảnh hưởng đến đất đai, tài sản và tài nguyên, đặc biệt là các dự án khai thác khoáng sản, nguồn nước và các loại tài nguyên khác. |
FPIC (Free, Prior and Informed Consent), tạm dịch là Đồng thuận dựa trên nguyên tắc tự nguyện, báo trước và được cung cấp thông tin, là nội dung quan trọng nằm trong Tuyên bố của Liên hiệp quốc về quyền của người bản địa.
FPIC có nghĩa là tất các hoạt động trên đất đai và lãnh thổ của người bản địa chỉ được thực hiện khi có sự đồng thuận. Sự đồng thuận này phải đảm bảo dựa trên cơ sở tự nguyện, không có bất cứ sự ép buộc hay lôi kéo nào.
Ngoài ra, người bản địa phải được cung cấp đầy đủ các thông tin và đảm bảo hoàn toàn hiểu các nội dung cơ bản của dự án như mục tiêu, phạm vi cũng như các tác động đối với môi trường và xã hội. Điều này cũng có nghĩa người bản địa hoàn toàn có quyền từ chối hoặc tạm thời từ chối các dự án cho đến khi thỏa thuận được các điều kiện đề ra.
Việc đưa FPIC vào quá trình thực thi REDD sẽ góp phần đảm bảo các quyền và hạn chế các tác động không mong muốn đối với người bản địa.
Thực hiện FPIC ở Việt Nam và các thách thức
FPIC mới được áp dụng thử nghiệm tại 20 xã thuộc các huyện Lâm Hà và Di Linh, tỉnh Lâm Đồng trong khuôn khổ chương trình UN-REDD Việt Nam. Quá trình thực hiện FPIC bao gồm các bước chính như: Nâng cao nhận thức cộng đồng; Tiến hành thuê và đào tạo chuyên viên đối thoại; Chuyên viên đối thoại giải thích với cộng đồng bản địa về các vấn đề biến đổi khí hậu, REDD và trả lời các câu hỏi; Cộng đồng bản địa bày tỏ ý kiến; Ghi chép các ý kiến đồng thuận và phản đối; Đánh giá lại quá trình.
Nhìn chung, FPIC vẫn còn là một khái niệm mới ở Việt Nam và hiện có ít chuyên gia có kinh nghiệm về việc áp dụng FPIC trong các dự án. Tuy nhiên, từ năm 2005, Luật Bảo vệ môi trường đã đưa ra một khái niệm tương tự với FPIC là Tham vấn cộng đồng (trong đánh giá tác động môi trường của dự án).
Tham vấn cộng đồng về lý thuyết là cung cấp các thông tin và tiến hành lấy ý kiến chấp thuận hay phản đối của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng bởi dự án. Tuy nhiên, kết quả sau nhiều năm thực hiện cho thấy, các quy định về tham vấn cộng đồng ở Việt Nam hiện chỉ mang tính hình thức. Các kết quả tham vấn cộng đồng nhìn chung không phản ánh các ý kiến xác thực từ phía người dân.
Tương tự như việc thực hiện tham vấn cộng đồng trong các dự án phát triển, việc áp dụng FPIC trong REDD cũng gặp khá nhiều trở ngại. Người dân bản địa khó có thể hiểu được các khái niệm phức tạp về Biến đổi khí hậu hay REDD. Hơn nữa, trong trường hợp đối tượng thực hiện FPIC là các chủ dự án, các thông tin chuyển đến người bản địa sẽ khó đảm bảo tính xác thực và khách quan. Do đó, các kết quả tham vấn FPIC rất có thể không được phản ánh chân thực.
Ngoài ra, tính mới mẻ của FPIC cũng là một trong những rào cản đối với việc thu nhận thông tin và ý kiến phản hồi từ phía cộng đồng bản địa.
Nhằm hạn chế được những cản trở nêu trên, cần sớm xây dựng cơ chế để các tổ chức độc lập tham gia vào quá trình thực hiện FPIC và đàm phán về REDD. Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức cho người bản địa về các đề liên quan đến biến đổi khí hậu, REDD cũng như các các quyền của họ cũng là một trong những biện pháp quan trọng để đảm bảo thực hiện tốt FPIC và hạn chế các tác động không mong muốn của REDD đối với cộng đồng bản địa.