Đảo New Guinea

ThienNhien.Net – Thuộc chủ quyền hai nước Indonesia (nửa phía tây) và Papua New Guinea (nửa phía đông), New Guinea – hòn đảo lớn thứ hai thế giới – được mệnh danh là ngôi nhà của một trong những dải rừng mưa nhiệt đới lớn cuối cùng còn sót lại trên Trái đất. Nếu nhìn về mặt dân cư – văn hóa thì đây chính là nơi cư trú của một số tộc người có truyền thống sống ở vùng rừng núi mà đa phần đều rất ít hoặc chưa từng liên hệ với thế giới bên ngoài.

 

 

 

 

 

 

 

Lâu nay, nhiều người vẫn tin rằng New Guinea là điểm định cư đầu tiên của loài người cách đây 40.000 – 60.000 năm. Hiện có khoảng 7,5 triệu người và 1.000 bộ tộc sống trên hòn đảo này. Họ giao tiếp bằng hơn 1.000 thứ ngôn ngữ khác nhau, chiếm tới 15% tổng số ngôn ngữ trên thế giới.

Được biết, tính đa dạng cao về mặt ngôn ngữ là do đặc trưng địa hình gồ ghề, bên cạnh những ngọn núi lởm chởm, những cánh rừng rậm rạp còn có những đầm lầy san sát không cách nào vượt qua được.

Lịch sử ghi nhận giữa các bộ tộc New Guinea thường xuyên xảy ra chiến tranh. Đặc biệt, cho đến tận đầu thế kỷ XX, một số bộ tộc nơi đây vẫn còn tục ăn thịt người.

Phần lớn cư dân New Guinea sống dựa chủ yếu vào nông nghiệp, kết hợp với hoạt động săn bắn. Bộ phận thổ dân cư trú ở những vùng đất thấp thường sử dụng cọ sagu (Cycas revoluta) như một loại thức ăn chính yếu trong bữa ăn hàng ngày.

 

 

 

 

 

 

 

Kể từ những năm 1970, lãnh thổ New Guinea thuộc Indonesia (còn được gọi là Irian Jaya) đã đón nhận rất nhiều dòng người nhập cư từ các vùng miền khác của đất nước Indonesia, đa phần là từ đảo Java. Họ đến đây theo chương trình di cư của Chính phủ nhằm giảm bớt áp lực dân số tại Java, đồng thời gia tăng quyền kiểm soát đối với các hòn đảo phía ngoài. Cuộc chuyển cư ấy đích thực đã gây nên căng thẳng giữa những nhóm người di cư và cộng đồng người Papua bản địa.

Mặc dù Papua New Guinea có lượng người nhập cư ít hơn nhưng đất nước này đang phải đối mặt với một vấn nạn lớn: tội phạm.

New Guinea rất giàu tài nguyên thiên nhiên (gỗ, quặng, các ngư trường ngoài khơi và các mỏ năng lượng), song phần lớn nguồn lợi khai thác được đều rơi vào tay các công ty nước ngoài và nhóm nhỏ các cá nhân có thế lực.

 

 

 

 

 

 

 

Xét về mặt bằng phát triển, Papua New Guinea có vẻ vẫn nhỉnh hơn phần lãnh thổ còn lại thuộc Indonesia, dù rằng dân cư ở đây nhìn chung còn nghèo. Phần lớn người dân Papua là một phần của nền kinh tế không chính thống, sống dựa vào các hoạt động sản xuất tự cung tự cấp. Các ngành công nghiệp chủ đạo đều dựa trên khai thác bao gồm khai thác gỗ, khai mỏ, hoạt động nông nghiệp mang tính chất công nghiệp. Riêng tại Irian Jaya, những người nhập cư thường có công việc tốt hơn dân bản địa Papua.

Đáng lưu ý là gần đây, Chính phủ Papua New Guinea bắt đầu tiến hành cắt đất đai của cộng đồng bản địa chuyển giao cho các công ty lập đồn điền công nghiệp khai thác gỗ.

 

 

 

 

 

 

 

Về giá trị đa dạng sinh học, mặc dù chỉ chiếm chưa đầy 0,5% bề mặt Trái đất, song ước tính đa dạng sinh học của New Guinea lại chiếm 5 – 10% mức độ đa dạng sinh học trên toàn cầu.

Các loài có mặt ở New Guinea mang đặc điểm của châu Úc nhiều hơn là châu Á do mối liên kết mang tính lịch sử với phần lãnh thổ châu Úc (khi mực nước biển hạ do những thay đổi về khí hậu, New Guinea đã nối liền với châu Úc, chứ không phải phần lãnh thổ còn lại của châu Á).

Nơi đây có gần 300 loài động vật có vú, nhưng không có mấy loài lớn. Điển hình là loài chuột túi cây (họ Macropodidae) và nhiều loài thú có túi khác như chuột túi nhỏ, cáo có túi, thú có túi ôpôt; những loài động vật có vú đẻ trứng như nhím echidna, dơi và một số loài gặm nhấm.

Tuy nhiên, hòn đảo lớn thứ hai thế giới vẫn nổi tiếng nhất về chim với tổng số hơn 650 loài. Có cả thảy ba loài bồ câu vương miện (họ Columbidae) – một loài bồ câu đất lớn – ở New Guinea và hiện cả ba loài đều đang bị đe dọa bởi nạn săn bắn và mất nơi cư trú.

Người ta biết đến 10 loài chim lùm cây đặc hữu (họ Ptilonorhynchidae) có mặt trên đảo New Guinea nhờ hành vi tán tỉnh kỳ lạ của chúng: những con đực xây tổ lớn và trang trí tổ bằng nhiều thứ đồ sặc sỡ để thu hút bạn tình.

Vùng đất này còn có nhiều loài vẹt, bao gồm vẹt lorikeet, vẹt lùn và vẹt mào. Một vài loài hiện đang gặp nguy hiểm vì hoạt động sưu tầm buôn bán “thú cưng” và nạn khai thác gỗ tại nơi cư trú tự nhiên của vẹt.

Đà điểu đầu mèo (họ Casuariidae) là loài chim đất lớn sống ở New Guinea và Australia, đồng thời cũng là một trong những loài chim nặng ký nhất thế giới, không có khả năng bay lượn. Lông của đà điểu đầu mèo hay được cư dân Papua bản địa dùng làm mũ và quần áo.

Chim thiên đường (họ Paradisaeidae) nằm trong số những loài nổi tiếng nhất của quần hệ chim New Guinea với khoảng 40 loài, có bộ lông dài, sặc sỡ. Lâu nay, người bản địa Papua vẫn thường thu thập, sử dụng lông và da của chim thiên đường vào các dịp nghi lễ.

Một số loài chim thiên đường có những nghi thức tán tỉnh rất công phu. Con đực sẽ biểu diễn trước một hoặc nhiều con cái. Nếu gây được ấn tượng với con cái thì con cái sẽ giao phối với nó.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nơi đây cũng có nhiều loài bò sát, lưỡng cư và hàng nghìn loài côn trùng độc đáo như bọ cánh cứng, châu chấu, bướm…

Những rạn san hô bao quanh đảo chính là vùng san hô giàu có nhất thế giới. Có ít nhất 1.200 loài cá được tìm thấy ở New Guinea.

 

 

 

 

 

 

 

Hiện nay, những cánh rừng mưa New Guinea đang bị tàn phá và xuống cấp nhanh chóng do hoạt động khai thác gỗ, khai mỏ, nông nghiệp quy mô lớn và hoạt động trồng cấy của người dân.

Từ năm 1972 đến năm 2010, Papua New Guinea đã mất đi hơn 6 triệu héc-ta rừng. Trong số các nước nhiệt đới, Brazil và Indonesia là hai quốc gia mất rừng nhiều nhất. New Guinea thuộc Indonesia đang phải đối mặt với nạn khai thác gỗ và phá rừng trồng dầu cọ để sản xuất dầu.

Bên cạnh đó, khai mỏ cũng gây tác động lớn tới New Guinea, phá hủy những cánh rừng, làm ô nhiễm sông ngòi, đại dương và tạo ra xung đột xã hội với nhóm cư dân bản địa Papua.

Đều chú trọng vào việc thiết lập các khu bảo tồn và triển khai kế hoạch bảo tồn rừng mưa, nhưng cả Indonesian New Guinea và Papua New Guinea đều chưa có nhiều thành công trong việc hạn chế nạn phá rừng và khai thác gỗ. Tuy nhiên, Papua New Guinea cũng đã có được một hệ thống khu bảo tồn, còn phần lãnh thổ thuộc Indonesia cũng đã thực thi lệnh cấm khai thác gỗ.