ThienNhien.Net – Các nhóm môi trường ở Philippines đang kỳ vọng rằng nhà máy điện hạt nhân bỏ không lâu nay trên bán đảo Bataan sẽ trở thành điểm chính thu hút khách du lịch và kiếm về nhiều đôla “xanh” cho đất nước này.
Dưới sự hỗ trợ của tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) cùng các tổ chức phi chính phủ địa phương, một chuyến du lịch mang tính khám phá dành cho các nhà báo, những người yêu thiên nhiên và đam mê các môn thể thao mạo hiểm đã được khởi động tại nhà máy điện hạt nhân Bataan (BNPP), cách Thủ đô Manila 100km về phía tây.
Mặc dù chính thức hoàn thiện từ năm 1984 với tổng chi phí 2,3 tỷ USD, song vì không đủ độ an toàn nên nhà máy điện hạt nhân Bataan chưa từng hoạt động trong khi mỗi ngày vẫn “ngốn” tới gần 10.000 USD tiền thuế của dân cho việc bảo trì, bảo dưỡng.
Trước thực trạng này, Francis de la Cruz, nhà vận động chiến dịch của Greenpeace tại Đông Nam Á, chia sẻ quan điểm: “Chẳng việc gì phải cố gắng duy trì nhà máy Bataan, điều đó chỉ làm người dân Philippines thêm hao tiền tốn của mà thôi – không chỉ tính riêng chi phí khôi phục và vận hành nhà máy mà còn bao gồm cả những tác động tới môi trường, sức khỏe, chuẩn bị ứng phó với thảm họa và nhiều vấn đề về phát triển bền vững khác”.
Đồng tình với ý kiến trên, Giám đốc Du lịch khu vực Bataan, ông Ronald Tiotuico, đã tuyên bố rằng sẽ phát triển nhà máy theo hướng du lịch. Đến đây, du khách sẽ có dịp tận mắt chứng kiến hệ thống máy móc, thiết bị, lò phản ứng và được nghe thuyết trình về các đặc điểm an toàn của nhà máy như “một sự nhắc nhở chúng ta về mức độ đe dọa của năng lượng hạt nhân trên thế giới đối với chất lượng cuộc sống con người nếu vận hành nó không đúng cách”.
Gói du lịch cũng sẽ bao gồm những chuyến tham quan di tích lịch sử và nghỉ ngơi trên bãi biển thuộc khu vực Bataan.
Hiện nay, một số điểm du lịch hút khách đang được chính quyền đầu tư phát triển. Đặc biệt, khu vực Bataan còn rất gần một trung tâm bảo tồn rùa với một lễ hội rùa kéo dài cả tuần lễ thường được tổ chức vào tháng 11 hàng năm.
Bataan tất nhiên không phải là nhà máy hạt nhân bỏ không đầu tiên biến thành một điểm thu hút du lịch mà trước đó, năm 1995, một nhà máy điện hạt nhân ở Kalkar (Đức) đã chuyển sang mô hình một công viên vui chơi giải trí, hàng năm chào đón khoảng 600.000 khách du lịch tới tham quan.