ThienNhien.Net – Kể từ năm 1872, khi Vườn Quốc gia Yellowstone (Hoa Kỳ) được thành lập, hệ thống các khu bảo tồn đã nhanh chóng hình thành và phát triển rộng khắp toàn cầu. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đăng trên tờ Marine Ecology Progress Series đã chỉ ra rằng chỉ riêng các khu bảo tồn thì không thể đủ sức ngăn chặn sự mất mát đa dạng sinh học. Ngay cả với một số lượng khu bảo tồn lớn thì chúng ta vẫn cứ rơi vào cuộc đại tuyệt chủng với tỷ lệ tuyệt chủng gấp 100 lần, thậm chí là 10.000 lần so với tỷ lệ trung bình của 500 triệu năm qua.
Tính đến nay, thế giới đã ghi nhận sự ra đời của hơn 100.000 khu bảo tồn dưới hình thức vườn quốc gia, khu trú ẩn động vật hoang dã, khu dự trữ săn bắn, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn động vật hoang dã…, chiếm khoảng 19 triệu km2 mà đa phần là trên đất liền, dù các khu bảo tồn biển cũng phát triển khá mạnh. Có rất nhiều lý do đằng sau việc thành lập các khu bảo tồn, song quan trọng nhất chính là bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã cho các thế hệ tương lai.
“Có thể nói, mạng lưới khu bảo tồn trên thế giới là một thành tựu đáng kể mà con người đã đạt được và tốc độ đạt được thành tựu ấy cũng hết sức ấn tượng. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng liên tiếp của mất đa dạng sinh học đã đặt ra yêu cầu phải đánh giá lại sự phụ thuộc nặng nề của chúng ta vào chiến lược này” – Tiến sĩ Peter F. Sale, Phó Giám đốc Viện Nước, Môi trường và Sức khỏe (có trụ sở tại Canada) thuộc trường Đại học Liên Hợp quốc, đồng tác giả nghiên cứu, cho hay.
Mặc dù vai trò của hệ thống khu bảo tồn thực sự quan trọng, song loài người chúng ta vẫn cần phải giải quyết những vấn đề cơ bản về hiện tượng gia tăng dân số và tình trạng tiêu thụ quá mức nếu muốn có cơ hội duy trì sự sống trên Trái đất và tạo dựng một hành tinh có thể tồn tại cho con cái chúng ta.
Bấp bênh từ phía khu bảo tồn
Theo các tác giả thì việc chỉ tập trung vào các khu bảo tồn để duy trì đa dạng sinh học bộc lộ nhiều thiếu sót, nhất là khi chúng ta còn cách xa mục tiêu tối thiểu – bảo tồn 30% môi trường sống trên cạn và dưới biển – nhằm giữ gìn được các đặc tính đa dạng sinh học toàn cầu. Hiện tại, chỉ có 5,8% diện tích đất liền và 0,08% diện tích đại dương nằm ở dạng khu bảo tồn.
Đáng lưu ý là không phải bất kỳ khu bảo tồn nào cũng được thành lập vì động cơ tốt đẹp. Nhiều nơi vẫn cho phép các hoạt động thiếu bền vững diễn ra trong phạm vi khu bảo tồn. Thêm nữa, phần lớn các khu bảo tồn trên cạn (60%) có quy mô quá nhỏ – dưới 1 km2 – để có thể cứu trợ các loài di cư hoặc loài lớn. Và hầu hết các khu bảo tồn đều chưa liên kết tốt với nhau để hỗ trợ sự di chuyển của những quần thể động, thực vật trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày một trầm trọng hơn.
Đặc biệt, hệ thống khu bảo tồn cũng không thể hóa giải được mọi đe dọa đối với các loài. Tuy tạo ra vùng đệm, bảo vệ các loài khỏi tình trạng mất nơi cư trú và khai thác quá mức, nhưng khu bảo tồn chưa thành công trong việc cứu loài ra khỏi những tác động khác như biến đổi khí hậu, ô nhiễm, loài xâm lấn…
Sau cùng là hệ lụy xuất phát từ khoản đầu tư tài chính quá ít ỏi mà các chính phủ dành cho công tác quản lý của các khu bảo tồn. Nghiên cứu cho biết các khu bảo tồn trên thế giới hàng năm đều thiếu tới 18 tỷ USD: nhiều gấp 3 lần con số chi dùng cho công tác quản lý khu bảo tồn (6 tỷ USD). Hoạt động quản lý lỏng lẻo đã vô tình mở ra cánh cửa cho một loạt tác động của con người, bao gồm săn trộm, khai thác gỗ trái phép, phá hủy môi trường sống, đánh bắt cá trái phép… Thiếu vốn, quản lý lỏng lẻo và tham nhũng đồng nghĩa với việc nhiều khu bảo tồn sẽ chỉ là “những khu bảo tồn trên giấy”.
“Ta đang đặt tất cả số trứng trong một cái rổ tiềm ẩn nhiều rủi ro, và nguy hiểm hơn là dưới đáy rổ đã bị thủng một lỗ” – Camilo Mora thuộc Đại học Hawaii tại Manoa, đồng tác giả nghiên cứu, khẳng định.
Tương lai của nhiều khu bảo tồn trên Trái đất cũng hết sức bấp bênh. Khi dân số tăng lên – chạm mốc 7 tỷ năm 2011 và dự đoán đạt 9 tỷ vào năm 2035, nhu cầu đối với các nguồn tài nguyên tăng theo, nhiều chính quyền có thể sẽ nhắm tới nguồn tài nguyên trong các khu bảo tồn. Khuynh hướng ấy đã xuất hiện ở nhiều quốc gia.
Đơn cử, Tanzania đang thu hẹp Khu dự trữ săn bắn Selous để khai thác urani. Campuchia hiện đang giao 50.000ha đất thuộc Vườn Quốc gia Viracehy cho các đồn điền cao su và các dự án phát triển khác, cơ bản đã thu hẹp khu bảo tồn này tới 16%. Những con đường gây tranh cãi có thể đưa đến nhiều tác động tiêu cực đang được lên kế hoạch triển khai trong các khu bảo tồn ở Serengeti, Lào, Việt Nam và Sumatra.
Suốt nhiều thập kỷ, Hoa Kỳ cũng đã tranh luận về sự xuống cấp của Khu trú ẩn Quốc gia cho Động vật hoang dã vùng Bắc cực (ANWR) khi cho phép hoạt động khoan dầu. Đến nay, khu trú ẩn ANWR vẫn an toàn, nhưng điều đó còn có thể tiếp tục tái diễn. Một khi chi phí lương thực tăng, nhiều khả năng xung đột giữa đất nông nghiệp và đất trong các khu bảo tồn cũng tăng lên. Không thể hy vọng rằng những khu bảo tồn hiện đang tồn tại tương lai sẽ không thay đổi.
Đâu mới là mấu chốt?
Vấn đề dân số và tiêu thụ chính là những mấu chốt thực sự phải được giải quyết nhằm ngăn chặn sự tuyệt chủng hàng loạt. Ngày nay, con người đã tác động tới hơn 80% diện tích đất trên thế giới và 100% các đại dương. Khoảng 40% bề mặt Trái đất bị “ảnh hưởng mạnh” bởi sức tiêu thụ của chúng ta.
Hiện tượng bùng nổ dân số trong thế kỷ qua dẫn tới nhu cầu ngày càng tăng đối với các nguồn tài nguyên sinh học và một sự sụt giảm nhanh chóng các mức độ đa dạng sinh học. Theo ước tính thì chỉ đến năm 1999 đã cần có khoảng 1,2 Trái đất mới mong đáp ứng được nhu cầu đa dạng của 5,9 tỷ người đang sống trên hành tinh. Và việc “ăn lạm” vào các nguồn tài nguyên là điều dễ hiểu vì thời gian khai thác tài nguyên nhanh hơn khoảng thời gian chúng được phục hồi hoặc thay thế, trong khi chất thải lại được tích lũy (chẳng hạn như CO2 trong bầu khí quyển).
Dựa trên lý lẽ đó, các tác giả đi tới kết luận rằng nếu xã hội tiếp tục “bóc lột” triệt để nơi chúng ta đang sống thì đến năm 2050 sẽ cần 27 hành tinh như Trái đất mới có thể duy trì được mức tiêu thụ ấy.
Không đưa ra các giải pháp cụ thể, nhóm nghiên cứu chỉ đề xuất rằng xã hội phải ưu tiên cho “các giải pháp thay thế hướng tới nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ sinh thái của con người, trong khi vẫn đảm bảo sức khỏe cho con người”. Đồng thời, chúng ta cần có “những nỗ lực phối hợp nhằm giảm thiểu mức gia tăng dân số và lượng tiêu thụ, đồng thời tăng sức tải sinh học của Trái đất thông qua chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao sản lượng nông nghiệp và nuôi trồng thủy, hải sản”.
Trên thực tế, bùng nổ dân số không chỉ là hiểm họa đối với các loài động thực vật hoang dã mà còn là hiểm họa với chính bản thân con người. Tăng dân số có thể gây ra thiếu lương thực, thiếu nước trầm trọng, điều kiện giáo dục, tình trạng cạnh tranh sinh kế khắc nghiệt và truyền nhiễm bệnh tật. Chất lượng cuộc sống toàn cầu sẽ bị đe dọa nặng nề khi dân cư ngày một đông hơn. Nếu không có những thay đổi trên diện rộng thì đa dạng sinh học sẽ mãi chỉ là một nạn nhân của tiến trình này.
“Chúng ta đang nhắc tới câu chuyện nửa thế kỷ tới, loài người có thể mất đi 50% trên tổng số loài, nhanh hơn bất cứ sự kiện tuyệt chủng lớn nào từng xảy ra trong lịch sử. Và chắc chắn những ai nghĩ rằng ta có thể vượt qua cuộc đại tuyệt chủng mà vẫn duy trì được tính bền vững đều chỉ đang cố gắng tự huyễn hoặc mình” – Tiến sĩ Sale kết luận.