ThienNhien.Net – Chiều 9/8, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã họp với các cơ quan xây dựng Dự án Luật Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Theo kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 mà Quốc hội vừa thông qua, Dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai dự định sẽ được xây dựng, trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2012.
Biến đổi khí hậu và tình trạng trái đất nóng lên được cảnh báo là sẽ làm cho thiên tai trở nên tồi tệ hơn trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt Việt Nam còn được cảnh báo là một trong số ít các quốc gia chịu tác động mạnh nhất của hiện tượng nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, cùng với các Chiến lược phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, việc luật hóa công tác này nhằm tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, đủ mạnh nhằm khắc phục một trong những thách thức lớn của đất nước trong thời gian tới, đảm bảo phát triển bền vững, ổn định xã hội.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn– cơ quan chủ trì soạn thảo đang dự thảo lần 2 và gửi Bộ Tư pháp thẩm tra hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Cùng với đó, tiến hành tổng kết việc thi hành pháp luật, báo cáo đánh giá tác động và tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức và cá nhân về dự thảo.
Dự thảo gồm 5 Chương, quy định các vấn đề chung như phạm vi, đối tượng áp dụng, các nguyên tắc, chính sách Nhà nước trong lĩnh vực phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai; quy định nội dung công tác phòng ngừa, ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, đặc biệt là cụ thể hóa các hành vi bị cấm trong công tác phòng tránh thiên tai; trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai…
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến đối với cơ quan soạn thảo trong việc rà soát, hoàn thiện các nội dung quan trọng còn có ý kiến khác nhau, đặc biệt là vấn đề phạm vi điều chỉnh, cơ cấu tổ chức quản lý rủi ro thiên tai, việc xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật.
Phó Thủ tướng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo mô hình quản lý, cơ chế phòng tránh, thiên tai của các nước, tổ chức tham vấn quốc tế trong việc hoàn thiện dự thảo Luật; làm rõ vấn đề phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng, nâng cao nhận thức của người dân, sớm lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân, đảm bảo tiến độ xây dựng Luật mà Quốc hội đã đề ra.