ThienNhien.Net – Ngoài đại bộ phận các doanh nghiệp nhỏ lẻ còn chút e ngại thì đa phần các bên liên quan đều ủng hộ FLEGT bởi xét cả về hiện tại và tương lai, FLEGT mang lại lợi ích lâu bền hơn là những trở ngại. Đó cũng là lí do hối thúc phía Việt Nam nỗ lực chuẩn bị và dần hoàn thiện các thủ tục, quy trình cần thiết để tiến tới cuộc đàm phán thành công dự kiến diễn ra vào cuối năm sau.
Xây dựng căn cứ đàm phán
Để có thể thống nhất về các nội dung đàm phán như quy định gỗ khai thác trong nước hợp pháp, gỗ nhập khẩu hợp pháp, hệ thống xác minh gỗ hợp pháp và kiểm soát chuỗi cung, cấp phép FLEGT, và cơ chế giám sát độc lập, ngay tại phiên đàm phán đầu tiên tổ chức vào ngày 28 – 29/11/2010, EU và Việt Nam đã đồng ý tiến hành ba nghiên cứu do các chuyên gia độc lập thực hiện, dưới sự tài trợ của Viện quản lý rừng châu Âu (EFI).
Mục đích của cả ba nghiên cứu là cung cấp những thông tin cơ bản giúp Việt Nam đưa ra quan điểm đàm phán chính thức tại phiên họp thứ hai với EU dự kiến tổ chức vào tháng 9 tới.
Xác định khoảng trống và sự mơ hồ trong lâm luật
Đây là một trong những nội dung quan trọng của nghiên cứu đầu tiên – nghiên cứu tập trung làm rõ những quy định về khung pháp luật của Việt Nam liên quan đến nguyên liệu gỗ và sản phẩm gỗ thông qua việc thu thập các tài liệu, báo cáo, nghiên cứu về tính hợp pháp của nguyên liệu gỗ trong nước và một số nước trên thế giới.
Trong tổng số 63 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực được thu thập, nhóm nghiên cứu thuộc Vụ Sử dụng rừng, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT đã tiến hành phân chia thành các nhóm văn bản cụ thể liên quan đến quyền khai thác rừng (là chủ rừng hợp pháp); quy định về quản lý và khai thác rừng; quy định xuất nhập gỗ; vận chuyển gỗ; chế biến gỗ; và các quy định thương mại gỗ và sản phẩm gỗ trong nước cũng như xuất khẩu…
Theo đánh giá của ông Vũ Thành Nam, đại diện nhóm nghiên cứu, về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Việt Nam đã đề cập đầy đủ về gỗ và sản phẩm gỗ theo chuỗi cung ứng, đáp ứng được các nguyên tắc về gỗ hợp pháp theo tinh thần của FLEGT/VPA. Tuy nhiên, một số văn bản còn chưa thống nhất ở các cấp ban hành; một số thì quy định thiếu chặt chẽ, dễ tạo điều kiện cho gỗ bất hợp pháp được dịp trà trộn. đơn cử như quy định không cần đóng búa kiểm lâm đối với gỗ xẻ nhập khẩu.
Ngoài ra, các quy định như xác định định mức tiêu hao nguyên liệu trong chế biến do chủ cơ sở chế biến gỗ tự xác định, công bố; và phương pháp đo, tính khối lượng gỗ chưa thống nhất, vượt khối lượng (thiết kế khai thác và gỗ nhập khẩu) cũng là những kẻ hở trong việc thực thi lâm luật.
Nhóm nghiên cứu đề nghị, Việt Nam cần tiếp tục rà soát, xác định những điểm còn mâu thuẫn, chồng chép giữa các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời sớm xây dựng kế hoạch chỉnh sửa, thay thế để thống nhất. Việc xây dựng định nghĩa gỗ hợp pháp của Việt Nam cũng cần phù hợp với điều kiện, đặc trưng sản xuất lâm nghiệp trong nước, và đáp ứng các nguyên tắc về gỗ hợp pháp quốc tế.
Đề xuất quy trình truy xuất nguồn gốc
Khác với nghiên cứu đầu tiên, nghiên cứu thứ hai tập trung xây dựng quy trình truy xuất nguồn gỗ nhằm xác định và lập sơ đồ các chuỗi cung ứng gỗ ở Việt Nam đối với các loại sản phẩm gỗ chính, bao gồm các sản phẩm được tiêu thụ trong nước và các sản phẩm được xuất khẩu sang EU, đồng thời hỗ trợ truy xuất nguồn gốc từ khâu khai thác tại rừng, và mô tả vai trò của cơ quan nhà nước trong chuỗi cung ứng gỗ.
Theo TS. Lê Khắc Côi, Trưởng nhóm nghiên cứu (Viện gỗ và lâm sản ngoài gỗ), có tất cả 12 điểm cần kiểm tra trong dòng luân chuyển gỗ, bao gồm: gỗ khai thác, gỗ thông quan, gỗ trong vận chuyển, thay đổi sở hữu, gỗ đưa vào sơ chế, gỗ trong quá trình sơ chế, sản phẩm gỗ sơ chế, gỗ/sản phẩm sơ chế đưa vào tinh chế, gỗ trong quá trình tinh chế, sản phẩm tinh chế, sản phẩm (đã) xuất khẩu, sản phẩm (đã bán) nội địa.
Trong mỗi một điểm lại cần xác định rõ 6 nội dung tương ứng, gồm: mục đích kiểm tra và vị trí kiểm tra (để biết rõ nguồn gốc gỗ, lô khai thác và bãi gỗ); đối tượng kiểm tra (loại gỗ gì, được khai thác từ đâu); chỉ số kiểm tra (giấy phép khai thác/đăng ký khai thác); thông tin xác minh (tên loài cây, trữ lượng cây đứng, khối lượng gỗ khai thác tính bằng m3/tấn, địa điểm khai thác, thời gian khai thác); các bên liên quan và vai trò trong kiểm tra (chủ rừng nộp đơn xin khai thác hoặc đăng ký khai thác, UBND huyện cấp phép, UBND xã đăng ký, kiểm lâm địa bàn kiểm tra); tham chiếu (văn bản pháp luật).
Trả lời băn khoăn của doanh nghiệp về việc cùng một sản phẩm gỗ nhưng được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau thì liệu có thể truy xuất được nguồn gốc, TS. Côi khẳng định, hoàn toàn có thể truy xuất được thông qua việc đánh số lô của nguyên liệu từ khi trồng, khai thác đến khâu vận chuyển, chế biến và xuất khẩu. Thậm chí, bằng những chỉ số lưu giữ trên từng sản phẩm, người tiêu dùng cũng có thể truy được nhà cung ứng sản phẩm, sản phẩm được sản xuất vào tuần nào, theo kế hoạch sản xuất số bao nhiêu, phiếu xuất nguyên liệu cho kế hoạch sản xuất đó, nguồn gốc nguyên liệu…
Tuy nhiên, TS. Côi cũng nhấn mạnh, nhằm tránh những rủi ro trong việc trộn lẫn gỗ được khai thác có phép và không phép hoặc nguồn gốc khác, phía kiểm lâm địa bàn và UBND xã cần kiểm tra, xác minh rừng trước khi cấp phép khai thác, đặc biệt cần kiểm tra kĩ khối lượng gỗ sau khai thác.
Xác định các bên liên quan
Tham gia vào quá trình đàm phán và thực thi FLEGT/VPA không đơn thuần chỉ có đại diện cấp cao của chính phủ mà còn có sự góp mặt của nhiều bên liên quan. Nghiên cứu của nhóm tác giả TS. Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trend) và TS. Nguyễn Tôn Quyền (Hiệp hội gỗ lâm sản Việt Nam) cho thấy, có 3 nhóm liên quan chính, gồm: nhóm tư nhân, nhóm quản lý nhà nước và nhóm xã hội dân sự (các tổ chức đoàn thể thuộc Ủy ban mặt trận tổ quốc; các tổ chức xã hội nghề nghiệp; tổ chức phi chính phủ địa phương).
Các tác giả cho rằng, sự tham gia của các bên trong quá trình xúc tiến các hoạt động tiếp theo của FLEGT tại Việt Nam cần được cân nhắc và xác định theo đúng chức năng, tính chất họat động, sự quan tâm và khả năng tham gia của từng nhóm.
Cấp miễn phí chứng chỉ FLEGT?
Việc có phải trả tiền để có được chứng chỉ FLEGT là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gỗ và sản phẩm gỗ hiện nay.
Trao đổi với báo chí về điều này, ông Hà Công Tuấn, Phó Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT khẳng định: “Hiện tôi chưa thể nói gì về việc các doanh nghiệp Việt Nam có phải mất tiền để có được chứng chỉ FLEGT hay không vì chúng ta vẫn đang trong quá trình đàm phán. Nhưng tôi nghĩ Nhà nước Việt Nam sẽ cố gắng để các doanh nghiệp không mất tiền vì chứng chỉ này là chứng chỉ của lô hàng xuất. Chứng chỉ FLEGT khác với chứng chỉ quản lý rừng (FSC) hay chứng chỉ quản lý chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) ở chỗ là các doanh nghiệp không phải mời các tổ chức khác đến để kiểm tra, đánh giá cơ sở của mình trước khi cấp chứng chỉ mà sẽ do Nhà nước kiểm soát và cấp cho các cơ sở đạt yêu cầu. Tôi nghĩ Nhà nước Việt Nam sẽ không thu phí chứng chỉ này”.
Quả thực nếu đúng như vậy thì phía các doanh nghiệp Việt có thể yên tâm phần nào và chắc hẳn ít nhiều đơn vị cũng sẽ vơi đi nỗi ái ngại đối với FLEGT bởi so với FSC hay CoC, họ phải bỏ ra cả nghìn đô cho mỗi lần cấp chứng chỉ. Số tiền đó không hề nhỏ đối với các doanh nghiệp có quy mô trung bình chứ chưa nói đến các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Đó cũng là lí do lí giải vì sao hiện nay chúng ta mới chỉ có vài trăm doanh nghiệp sở hữu hai chứng chỉ này trong tổng số hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực gỗ và sản phẩm gỗ.
Liên quan tới các chứng chỉ nêu trên, không ít thắc mắc cũng được đặt ra là nếu đã có FSC hoặc CoC thì liệu có cần FLEGT. Theo bà Giuliana Torta, công tác tại Bộ phận Hiệp định và Thương mại quốc tế, Ủy ban châu Âu, điều này phụ thuộc rất nhiều vào kết quả đàm phán VPA sắp tới. Tất nhiên, trước khi đi đến thống nhất, hai bên sẽ cùng phải kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống chứng chỉ xem có mâu thuẫn, chồng chéo nhau không bởi tuy có điểm chung nhưng chúng sẽ khác nhau về mục tiêu và cách thức thực hiện. Trong khi FSC quan tâm tới vấn đề bền vững, CoC quan tâm tới quá trình sản xuất, chế biến thì FLEGT lại nhấn mạnh đến ý nghĩa hợp pháp hơn.
Giải đáp tương tự về việc liệu FSC, CoC có thể được ứng dụng vào trong FLEGT, ông Hà Công Tuấn cũng thẳng thắn bày tỏ: “FSC, CoC không phải là vấn đề mới. CoC thì tập trung quản lý quá trình sản xuất tại xưởng chế biến, FSC chủ yếu quản lý gỗ được khai thác ở những khu rừng có chứng chỉ bền vững, còn FLEGT quản lý cả một quá trình. Người ta đương nhiên công nhận và tôn trọng những chứng chỉ này nhưng chúng không thể thay thế toàn bộ FLEGT bởi có FSC nhưng chưa hẳn quá trình đưa gỗ vào đến xưởng chế biến đã đúng là nguồn gỗ được khai thác từ khu rừng có FSC. Do đó, phải kiểm tra kĩ nguồn nguyên liệu trước khi đưa vào quá trình sản xuất. Và tại quá trình này, những doanh nghiệp nào chưa có CoC thì sẽ bị kiểm tra ngặt nghèo hơn, có CoC rồi thì sẽ mặc nhiên được thừa nhận. Đặc biệt, sau quá trình sản xuất là quá trình xuất khẩu và FLEGT sẽ là chứng chỉ đầu tiên thực hiện chức năng giám sát quá trình này”.