ThienNhien.Net – Nngày 7/10 tới đây, gần 3.000 người sẽ diễn tập ứng phó với sóng thần và tìm kiếm cứu nạn tại khu vực phường Thọ Quang, Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
UBND TP Đà Nẵng cho biết, chương trình sẽ diễn ra trong 6 ngày, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất tiến hành báo cáo các phương án triển khai ứng phó sóng thần, tìm kiếm cứu nạn (4 ngày dành cho huấn luyện và tập tổng hợp, 1 ngày diễn tập thử) và giai đoạn hai là diễn tập thực tế sẽ diễn ra vào ngày 7/10.
Chương trình sẽ huy động 2.922 người gồm lãnh đạo các cơ quan Trung ương, Quân khu V, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão 15 tỉnh, thành ven biển; lực lượng hải quân, công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu, cảnh sát PCCC, lực lượng dân phòng cùng đông đảo giáo viên, học sinh và nhân dân.
Đà Nẵng cũng sẽ huy động lực lượng lớn máy bay, tàu, thuyền, ca nô, xe tải, xe cẩu… để tham gia vào Chương trình diễn tập.
Theo tình huống giả định của diễn tập thực binh, có động đất diễn ra tại phía Tây vùng biển Philippines với cường độ khoảng 8,6 – 8,8 độ richter gây ra sóng thần và độ cao sóng khi đến vùng biển Đà Nẵng khoảng từ 5 – 6m.
Sau khi có thông tin về động đất, sóng thần, Ban chỉ đạo sẽ triển khai các bước như phát tin cảnh báo sóng thần cho nhân dân, đồng thời triển khai lực lượng di dời dân đến nơi an toàn và triển khai lực lượng tìm kiếm cứu nạn cả trên biển và đất liền.
Buổi diễn tập sẽ triển khai di dời các hộ dân sống ven biển, học sinh tại một trường tiểu học, một đơn vị quân đội, khách du lịch đang tắm biển… Đồng thời cũng đặt ra một số tình huống giả định như tàu thuyền hư hỏng, tai nạn giao thông, tắc đường …
Chương trình diễn tập cũng thuyết minh về cách thức tổ chức khắc phục hậu quả, ổn định đời sống dân cư và tái thiết trên địa bàn.
Cuộc diễn tập nhằm kiểm tra, hoàn thiện hệ thống quan trắc tiếp nhận, xử lý thông tin và truyền tin, phát tin cảnh cáo, báo động sóng thần trên địa bàn thành phố. Đồng thời, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, huy động sức mạnh tổng hợp theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) cho công tác ứng phó và tìm kiếm cứu nạn và nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư có ý thức chủ động phòng tránh, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống sóng thần xảy ra.
Đà Nẵng là địa phương đầu tiên triển khai lắp thử 10 trạm cảnh báo sóng thần và Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương chọn là địa phương đầu tiên triển khai Chương trình diễn tập, ứng phó sóng thần và tìm kiếm cứu nạn quy mô lớn trong cả nước.
Trước đó, vào tháng 5/2011, tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì buổi thử nghiệm hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần vừa được lắp đặt tại địa phương.