ThienNhien.Net – Ngày 2/8/2011, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo chuyên gia về xây dựng tiêu chí và chỉ số giám sát chương trình phục hồi hổ toàn cầu. Dự hội thảo có đại diện các tổ chức quốc tế liên quan tới công tác bảo tồn đa dạng sinh học cùng đại diện của 13 nước có hổ sinh sống trong tự nhiên gồm: Ấn Độ, Bănglađét, Butan, Thái Lan, Campuchia, Inđônêxia, Lào, Malaixia, Myanma, Nêpan, Trung Quốc, Nga và Việt Nam.
Tại Hội thảo, ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh: Hổ là loài động vật hoang dã nguy cấp trên phạm vi toàn cầu, được pháp luật của các nước có hổ phân bố ngoài tự nhiên bảo vệ. Theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), hổ được quy định nghiêm cấm khai thác, buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại.
Ở Việt Nam, loài hổ đã được pháp luật bảo vệ từ đầu năm 1960 và nay đứng trong nhóm I, Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.
Hiện nay số lượng loài hổ hoang dã trên toàn cầu đã bị suy giảm nhanh chóng, từ khoảng hơn 100.000 cá thể vào những năm 50 của thế kỷ 20, nay chỉ còn khoảng 3.200 cá thể ngoài tự nhiên và 3 phân loài hổ đã bị tuyệt chủng. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là do nạn săn bắt, buôn bán trái phép và sự suy giảm sinh cảnh, nguồn thức ăn của loài.
Sinh cảnh của loài hổ được trải dài từ các nước Đông Nam Á tới Tây Á và Đông Bắc Á, được phân bố ở những khu vực có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú nhất trên thế giới, đồng thời là nơi cư ngụ của nhiều loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Nhận thức được tầm quan trọng của loài hổ đối với công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững, trong thời gian qua, các quốc gia có hổ và các tổ chức quốc tế đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động bảo tồn hổ và sinh cảnh cũng như con mồi của chúng. Hầu hết các nước có hổ phân bố ngoài tự nhiên đã hoàn thành Chương trình phục hồi hổ quốc gia (NTRP) và cùng nhau phối hợp xây dựng Chương trình phục hồi hổ toàn cầu (GTRP) với cam kết tăng gấp đôi quần thể hổ ngoài tự nhiên vào năm 2020.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề như: Chỉ số phát triển, chiến lược hoạt động để theo dõi sự tiến bộ của Chương trình phục hồi hổ quốc gia; khoa học theo dõi hổ, môi trường sống và cơ sở con mồi, phương pháp tiếp cận và ứng dụng của từng nước; các chỉ số theo dõi quá trình hoạt động và kế hoạch của Chương trình phục hồi hổ quốc gia; vai trò và đối tác phù hợp với yêu cầu đặt ra; phương pháp tiếp cận có liên quan về hiệu quả quản lý.