ThienNhien.Net – Chỉ trong vòng hơn nửa thế kỷ qua, hành tinh của chúng ta đã mất đi hoặc bị suy giảm số lượng của nhiều loài động vật lớn như chó sói, hổ, sư tử, cá mập, cá voi… Có thể những con số này với nhiều người chỉ gợi lên suy nghĩ về sự mất mát mang tính thẩm mỹ, song khoa học đã chứng tỏ rằng tình trạng suy giảm nói trên không chỉ đơn thuần là sự biến mất của những động vật đồ sộ mà còn là những tác động ngày càng lớn đối với cuộc sống con người.
Theo thống kê, hiện các quần thể chó sói trên thế giới đã suy giảm khoảng 99% so với số lượng ban đầu. Số lượng sư tử cũng giảm từ 450.000 xuống còn 20.000 cá thể liên tục trong 50 năm. Riêng thế kỷ XX đã ghi nhận sự tuyệt chủng của ba phân loài hổ. Đồng thời, hoạt động săn vây và đánh bắt cá quá mức cũng khiến một số quần thể cá mập suy giảm tới 90% chỉ trong vài thập kỷ trở lại đây. Kể từ khi luật cấm săn bắt cá voi được ban hành, mặc dù số lượng quần thể cá voi lưng gù có dấu hiệu phục hồi, nhưng con số hiện tại vẫn còn hụt xa số lượng ban đầu.
Trước tình trạng ngày càng vắng bóng những động vật ăn thịt đứng đầu trong lưới thức ăn – điển hình như cá mập, chó sói và các loài mèo lớn, một công trình nghiên cứu đăng trên tờ Science đã lên tiếng cảnh báo rằng điều này chắc chắn sẽ làm biến đổi trầm trọng các hệ sinh thái trên Trái đất. Bởi lẽ, bản thân những động vật đứng hàng đầu trong chuỗi thức ăn, bao gồm các loài động vật ăn cỏ và động vật ăn tạp lớn, ảnh hưởng tới các hệ sinh thái thông qua chuỗi thức ăn, đóng vai trò quan trọng giúp duy trì các môi trường khỏe mạnh, bảo tồn đa dạng sinh học và củng cố năng suất tự nhiên.
Trong lịch sử và ở một số trường hợp nhất định, con người vẫn có cái nhìn thiếu thiện cảm với một số loài lớn, tuy nhiên theo các nghiên cứu thì ngay cả những động vật ăn thịt lớn nguy hiểm cũng có ích nhiều hơn là gây hại cho con người.
Do đó, khi số lượng các loài động vật lớn, từ chó sói đến cá voi, bị suy giảm sẽ tác động tới hệ sinh thái theo những cách không mong đợi, chẳng hạn như bùng nổ bệnh tật, mất đa dạng sinh học, cháy rừng, tăng phát thải các-bon và xuất hiện loài xâm lấn.
Mất loài lớn – hệ sinh thái xáo trộn
Trên thế giới không có mấy loài bị con người xua đuổi và “xa lánh” như chó sói, cá mập và các loài mèo lớn (sư tử, hổ…). Sự thật là cá mập và các loài mèo lớn đã từng sát hại con người. Trong một số trường hợp, mèo lớn, chó sói cũng chịu trách nhiệm về cái chết của gia súc. Song, theo các nhà nghiên cứu thì dù chúng ta đang không thừa nhận một cách xứng đáng các bằng chứng cho thấy động vật ăn thịt lớn rất đỗi quan trọng trong chức năng của tự nhiên, từ những đại dương sâu nhất đến những ngọn núi cao nhất, từ miền nhiệt đới đến vùng Bắc cực, thì thực tế chúng vẫn đóng vai trò vô cùng thiết yếu trong các hệ sinh thái.
Có thể lấy ngay sự biến mất và trở lại của loài chó sói tại Vườn Quốc gia Yellowstone (Hoa Kỳ) làm ví dụ.
Trong nhiều thập kỷ qua, sự kiện chó sói bị tuyệt chủng ở cấp độ địa phương đã tạo cơ hội cho nai sừng tấm phát triển ngoài tầm kiểm soát. Chúng ăn hết cây cối, chủ yếu là cây dương và cây liễu con. Khi chó sói có mặt, nai sừng tấm chẳng mấy khi bén mảng tới những nơi như bờ suối, nhưng khi chó sói đi rồi, chúng đã thẳng tay tiêu diệt hàng loạt thực vật ven sông khiến cây cối trở nên thưa thớt; số lượng chim chóc, hải ly giảm sút. Thiếu bóng cây hai bên bờ sông, đất đai cũng bị xói mòn theo.
Chưa hết, mất sự kiểm soát của chó sói, loài chó sói đồng cỏ (Bắc Mỹ) cũng trở nên táo bạo và ngày càng đông đảo. Đó chính là quá trình mà các nhà khoa học vẫn gọi là giải phóng động vật ăn thịt trung gian, xảy ra khi một loài động vật ăn thịt hàng đầu biến mất, một loài động vật ăn thịt nhỏ hơn được phép tiếp quản hệ sinh thái. Khi đó, những động vật có vú nhỏ đã trở thành đối tượng bị loài chó sói đồng cỏ đe dọa. Vậy là mới chỉ có sự biến mất của một loài động vật lớn – như chó sói – đã gây tổn hại đến toàn bộ hệ sinh thái.
Và khi người ta tái du nhập chó sói về Yellowstone, nai sừng tấm lần lượt bỏ chạy vào rừng sâu và không còn ăn cỏ cây ở các khu vực dọc bờ sông nữa. Sau một thời gian, dương và liễu cũng mọc trở lại; hải ly ngày một đông đúc hơn; chó sói đồng cỏ bỗng chốc tỏ ra thận trọng, cảnh giác hơn; các đặc tính đa dạng sinh học liên tục gia tăng và hệ sinh thái cũng phục hồi sự phong phú vốn có.
Thêm một bằng chứng nữa là vai trò của chó sói đối với thảm thực vật trên hòn đảo Rùm ở Scotland. Chó sói đã biến mất khỏi đảo hàng trăm năm nay. Trong khoảng thời gian ấy, quả thực hươu nai đã “dọn sạch” cây cối trên đảo.
Dù tầm quan trọng của chó sói đã thể hiện rõ qua một loạt bằng chứng, nhưng ở nhiều nơi trên thế giới – trong đó có cả Hoa Kỳ, chúng vẫn bị nhiều người coi như loài gây hại. Tuy nhiên, đáng mừng là gần đây, lần đầu tiên trong lịch sử gần 40 năm loài sói đã không còn trong danh sách các loài bị đe dọa tuyệt chủng của Mỹ.
Giống như chó sói, cá mập cũng có những tác động tương tự. Ở nơi nhiều cá mập, cá nược – loài động vật có vú ăn cỏ lớn – luôn cảm thấy sợ hãi khi di chuyển trong khu vực đồng cỏ, hệt như nai sừng tấm vậy. Điều đó đã tạo thuận lợi cho những bãi cỏ biển sinh sôi, cung cấp nơi cư trú đặc biệt cho nhiều loài động thực vật biển.
Ngoài ra, tình trạng suy giảm một số loài động vật ăn thịt khác cũng dẫn tới những tác động đáng kể. Đơn cử như ở Sahara châu Phi, quần thể báo và sư tử giảm đi làm gia tăng số lượng khỉ đầu chó olive. Chúng xuất hiện tràn lan tại những khu vực dân cư, mang theo một ký sinh trùng sống trong ruột, có thể truyền nhiễm sang người. Trong trường hợp này, sự mất dần các động vật ăn thịt hàng đầu đã thay đổi quy mô lan truyền bệnh tật.
Để hiểu rõ hơn, chúng ta có thể nhìn vào khả năng hạn chế lây truyền chứng sốt rét nhờ các loài cá nước ngọt lớn. Với số lượng đông đúc, suốt một thời gian dài, chúng đã giúp giảm bớt tỷ lệ mắc sốt rét bằng cách tiêu diệt vô số cá thể muỗi truyền bệnh. Một khi lượng cá ít đi đồng nghĩa với việc tỷ lệ mắc bệnh sẽ lại tăng lên, nhóm nghiên cứu khẳng định.
Tất nhiên không phải vì thế mà con người lại tái du nhập những loài động vật ăn thịt xâm lấn thay thế vai trò của những quần thể động vật ăn thịt vốn tồn tại lâu đời, bởi làm như vậy có thể đem tới nhiều tác động tiêu cực khác.
Đi kèm phát hiện này, nghiên cứu nêu ví dụ về sự xâm lấn của loài cáo và chuột Bắc cực tại một số hòn đảo Bắc cực khiến số lượng chim biển bị suy giảm nghiêm trọng và lần lượt gây tổn hại đến thảm thực vật nơi đây. Những quần thể chim biển có sứ mệnh đem các chất dinh dưỡng quan trọng từ biển vào “nuôi” đất đảo. Không có chim sẽ không có chất dinh dưỡng cho đất.
Trong hàng ngũ các loài động vật lớn đóng vai trò quan trọng đối với môi trường, hệ sinh thái cũng như loài người trên Trái đất, không thể không kể tới các động vật ăn cỏ lớn và những đóng góp của chúng đối với các hệ sinh thái nơi chúng cư ngụ.
Ngược về châu Phi cuối thế kỷ XIX, đúng thời điểm dịch tả, một căn bệnh ở gia súc, đang giết chết vô số thú có móng guốc lớn như linh dương, trâu châu Phi, lúc này thực vật đã phát triển một cách khủng khiếp, làm biến đổi bộ mặt hệ sinh thái từ đồng cỏ lớn thành những vùng cây bụi. Chưa hết, thực vật gia tăng còn là tác nhân khiến bùng lên các vụ cháy rừng lớn. Song dễ thấy là khi quần thể thú có móng guốc lớn từng bước khôi phục số lượng thì những vụ cháy đã giảm xuống nhanh chóng, hệ sinh thái cũng dần trở lại hình hài ban đầu.
Vẫn còn rất nhiều ví dụ khác nữa nhưng xét cho cùng, “những ảnh hưởng dây chuyền từ trên xuống của các động vật tiêu thụ hàng đầu trong hệ sinh thái là quan trọng và phức tạp” – James Estes, Giáo sư Sinh thái học và Sinh học tiến hóa của trường Đại học California, Santa Cruz, nhấn mạnh.
Chẳng hạn, người ta có thể không nhận ra rằng những động vật biển hàng đầu trong chuỗi thức ăn như cá voi lại đóng vai trò to lớn trong việc cô lập, lưu trữ các-bon. Song một nghiên cứu mới đây đã khám phá ra rằng ngành công nghiệp đánh bắt cá voi suốt thế kỷ qua đã thải 105 triệu tấn các-bon vào bầu khí quyển. Nguyên nhân là do một con cá voi sắp chết chìm dần xuống đáy biển sẽ đem theo các-bon và “chôn vùi” chúng dưới đáy biển; thay vào đó, nếu một con cá voi bị giết và bị đưa vào bờ, các-bon sẽ thoát ra và hòa vào khí quyển.
Rất cần nhìn nhận lại
Mặc dù rất khó lòng phủ nhận loạt ảnh hưởng dây chuyền khi số lượng loài lớn suy giảm hoặc mất đi, song theo nhóm nghiên cứu trên thì vì một số lý do nhất định, điều này vẫn bị coi nhẹ.
Rõ ràng, những thay đổi đều xảy ra trên diện rộng – đôi khi tới hàng nghìn ki-lô-mét vuông và bao gồm một số lượng tương tác loài lớn – trong khi đa phần nghiên cứu lại quan sát những khu vực nhỏ hoặc những loài đơn lẻ. Thêm nữa, muốn nhận thấy rõ sự thay đổi thường phải mất nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ và trước lúc các nhà khoa học kịp chú ý thì có khi phần đông trong số những động vật tiêu thụ hàng đầu đã sụt giảm nghiêm trọng về số lượng.
Và quan trọng hơn cả là không ai đoán được chúng sẽ tác động thế nào tới các hệ sinh thái và đa dạng sinh học đến tận khi chúng lần lượt biến mất, sau đó có thể lại được du nhập trở lại bởi đơn giản “chúng ta khó mà thấy được những tương tác loài trừ khi xảy ra một sự nhiễu loạn nào đó”, Estes chia sẻ.
Ông còn nói thêm: “Với những động vật lớn, không thể tiến hành các loại hình thử nghiệm cần thiết để chỉ rõ ảnh hưởng của chúng, vì thế bằng chứng có được chính là kết quả của những thay đổi tự nhiên và những ghi chép lâu dài”.
Thông qua việc đưa ra ngày càng nhiều dữ liệu về tầm quan trọng của những “ông vua” trong chuỗi thức ăn này đối với phần còn lại của hệ sinh thái, nhóm nghiên cứu cho rằng các nhà khoa học cần chấm dứt việc coi nhẹ ảnh hưởng rộng lớn của các loài lớn và nên biến tác động dây chuyền trong sinh thái học thành phương thức mới nếu muốn hiểu được một cách đầy đủ tác động của con người đến môi trường toàn cầu.