Trung Quốc đẩy mạnh phát triển năng lượng sinh khối

ThienNhien.Net – Theo một báo cáo đăng trên tạp chí Renewable Energy World (Thế giới Năng lượng Tái tạo) thì bên cạnh việc đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế từ sức gió và mặt trời, Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ than và gây ô nhiễm hàng đầu thế giới – hiện đang ủng hộ những hướng đi tích cực của ngành công nghiệp sinh khối thông qua các chính sách phát triển.

Nhờ đặc tính sạch, an toàn, hiệu quả và bền vững mà những năm gần đây, năng lượng sinh khối ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các hãng năng lượng. Đáng lưu ý là một số công ty năng lượng đa quốc gia (như BP, American International Petroleum, BASF, Dupont) cùng những tập đoàn lớn ở Trung Quốc (CNPC, Sinopec và CNOOC) đang dần “lấn sân” sang lĩnh vực năng lượng sinh khối dưới hình thức đầu tư trực tiếp.

Đầu tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã phê chuẩn hiệp định khung hợp tác với chính quyền tỉnh Sơn Đông trong việc xây dựng một nhà máy sản xuất xăng sinh học (ethanol) và dầu sinh học (biodiesel).

Sinopec cũng đạt được thỏa thuận hợp tác với nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm chế biến lớn nhất Trung Quốc COFCO trong cam kết cùng xây dựng nhà máy sản xuất xăng sinh học có công suất 100.000 tấn/năm trong vòng 5 năm tới.

Để tạo điều kiện phát triển năng lượng sinh khối, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã đưa ra những định hướng liên quan đến những thay đổi cấu trúc trong nội ngành, được cho là có lợi cho sự phát triển và ứng dụng công nghệ để sản xuất ra các loại nhiên liệu sinh khối không sử dụng thóc lúa như ethanol từ chất xơ, dầu sinh học.

Trung Quốc có một nguồn sinh khối dồi dào phục vụ cho sản xuất năng lượng đến từ ngành nông – lâm nghiệp (Ảnh minh họa: Inverter-China.com)

Theo kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo giai đoạn 2011 – 2015, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng sử dụng ethanol lên 3 triệu tấn mỗi năm. Đặc biệt, báo cáo chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Viện Kỹ thuật Trung Quốc còn chỉ rõ rằng năng lực sản xuất năng lượng sinh khối thực tế còn gấp đôi năng lực sản xuất thủy điện và gấp 3,5 lần năng lượng gió.

Tuy nhiên, Xing Xinhui, giáo sư  công nghệ hóa học của trường Đại học Thanh Hải (Tp. Tây Ninh), lại khẳng định: “Năm năm qua, mặc dù đã xây dựng được một loạt các dự án năng lượng sinh khối, song xét về mặt đầu tư, Trung Quốc vẫn đi sau nhiều quốc gia khác và chưa tạo được bước đột phá nào trong công nghệ năng lượng sinh khối. Vì thế, Chính phủ Trung Quốc cần cung cấp các nguồn hỗ trợ bổ sung bằng cách tăng đầu tư vào nghiên cứu phát triển công nghệ năng lượng sinh khối mới mong đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành công nghiệp này”.

Vốn là nước có nguồn nguyên liệu sinh khối dồi dào, như bã và phế thải từ ngành nông – lâm nghiệp, Trung Quốc coi phát triển sinh khối là một trong những nhiệm vụ kinh tế đáng quan tâm.

Được biết, mỗi năm Trung Quốc sản xuất được 5 triệu tấn thóc lúa, tạo ra khoảng 700 triệu tấn rơm rạ – nguồn nguyên liệu chính cho năng lượng sinh khối. Bên cạnh đó, các nguyên liệu hữu cơ, như phân gia cầm, lá cây rụng, chất thải công nghiệp, cũng có thể trở thành nguồn cung nguyên liệu và dễ dàng chuyển hóa thành năng lượng sinh khối.

Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy sản xuất năng lượng sinh khối ở vùng tây nam và tây bắc với kỳ vọng sớm thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào nhiệt điện.