ThienNhien.Net – Trà Vinh là một trong những địa phương điển hình của vùng Tây Nam Bộ trong việc thích ứng với BĐKH bằng các mô hình sáng tạo như gắn trồng rừng, bảo vệ rừng với bảo tồn đa dạng sinh học, trồng dưa hấu sử dụng màng phủ nông nghiệp, nghiên cứu giống lúa mới có khả năng chịu mặn…
Theo các nhà khoa học, ĐBSCL là một trong ba vùng sẽ bị thiệt hại nặng nhất trên thế giới do biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong đó, Trà Vinh là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất là do xâm nhập mặn và hạn hán.
Kịch bản biến đổi khí hậu cho thấy, nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 70% diện tích đất ở ĐBSCL bị xâm nhập mặn, riêng Trà Vinh sẽ có 1.021 km2 (gần 46% diện tích) bị nhấn chìm trong nước. Hiện nay, độ mặn trong nước so với cùng kỳ năm trước đã tăng lên gần gấp đôi, từ 0,35% lên 0,67%.
Trước những ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, Trà Vinh đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp ứng phó và trở thành một địa phương điển hình của ĐBSCL trong việc thích ứng với BĐKH.
Mô hình gắn việc trồng rừng, bảo vệ rừng với bảo tồn đa dạng sinh học ở tỉnh Trà Vinh, vừa giúp người dân có thể nuôi nhiều loại thủy sản vừa bảo tồn và khai thác tốt nguồn lợi thủy sản của thiên nhiên.
Ngoài nguồn vốn Nhà nước đầu tư trồng rừng, nhiều hộ dân ở huyện Duyên Hải đã tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng trên diện tích nuôi các loài thủy sản, nhất là diện tích nuôi tôm sú và nuôi cua biển.
Chỉ tính riêng năm 2010, Duyên Hải đã trồng mới được 200 ha rừng; trong đó, có 110 ha trồng từ nguồn vốn của Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; riêng 90 ha còn lại vận động người dân địa phương tự bỏ vốn đầu tư trồng.
Bên cạnh việc vận động người dân tham gia đầu tư trồng rừng, huyện Duyên Hải còn tiến hành giao khoán cho người dân địa phương chăm sóc và bảo vệ phần lớn diện tích rừng. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Trà Vinh tiếp tục đầu tư hơn 9 tỷ đồng cho Dự án bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn ở xã Long Khánh trong giai đoạn năm 2010- 2020, đưa tổng diện tích rừng trồng mới lên 141 ha; nâng tỷ lệ che phủ vùng đệm là 55% và vùng phục hồi sinh thái là 70%.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trà Vinh, Hội nông dân tỉnh cũng nghiên cứu tìm ra các giống cây, con mới, thích ứng với BĐKH.
Cụ thể, Hội nông dân tỉnh Trà Vinh đã kết hợp với khoa Nông nghiệp – Thủy sản trường Đại học Trà Vinh tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng dưa hấu có sử dụng màng phủ nông nghiệp kết hợp tưới nước nhỏ giọt.
Thực hiện mô hình này, người trồng dưa hấu sẽ giảm được rất nhiều chi phí, công lao động và nhất là trong khâu tưới nước. Hiện, mô hình trồng cây dưa hấu sử dụng màng phủ nông nghiệp kết hợp với tưới nước nhỏ giọt tại xã Trường Long Hòa đang được khuyến khích nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh.
Vụ đông xuân 2010-2011, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Trà Vinh cũng tổ chức thực hiện thí điểm mô hình gieo mạ sân, cấy lúa một tép trên diện tích 25,5ha ở 3 vùng đất khác nhau tại xã: Phú Cần, Tân Hùng và thị trấn Tiểu Cần.
Mô hình này ngoài việc tìm ra bộ giống lúa mới, có khả năng chịu mặn để thích ứng với biến đổi khí hậu, còn hướng dẫn nông dân kỹ thuật nhân giống lúa bằng phương pháp gieo mạ sân và cấy 1 tép.
Đây là mô hình sản xuất mới, đạt hiệu quả khá cao, rút ngắn thời gian cây lúa ở ngoài đồng nên tránh được sâu rầy, ốc bươu vàng gây hại, cây lúa phát triển tốt.
Hiện nay, Trà Vinh vừa khởi động dự án về thích ứng với BĐKH triển khai ở 5 xã: Hiệp Thạnh, Ngũ Lạc, Hiệp Hòa, Mỹ Chánh, Đại Phước. Dự án sẽ cung cấp nguồn thông tin có chất lượng về nguy cơ BĐKH đối với địa phương, xác định các điểm còn thiếu để nâng cao ý thức cho người dân và có biện pháp cụ thể thích ứng với BĐKH.