ThienNhien.Net – Trong một báo cáo mới công bố, nhóm điều tra của Tổ chức Global Witness đã cáo buộc Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) để cho các công ty gỗ sử dụng logo của mình trong khi các công ty này san phẳng các khu rừng giàu đa dạng sinh học nhất thế giới hoặc kinh doanh gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp.
Mạng lưới Kinh doanh Lâm sản Toàn cầu (GFTN) do WWF điều hành hoạt động với mục tiêu thúc đẩy ngành gỗ bền vững, đã tập hợp hơn 70 công ty khai thác gỗ quốc tế và số lượng lớn các nhà kinh doanh gỗ. Theo WWF, chương trình đã tròn 20 năm tuổi này đang chịu trách nhiệm giám sát gần 19% sản phẩm gỗ trao đổi trên thị trường quốc tế, với lượng giao dịch của các thành viên hàng năm đạt gần 70 tỷ USD.
Tuy nhiên, bản báo cáo Pandering to the Loggers (Tạm dịch: Nối giáo cho kẻ đốn rừng) của Global Witness cho rằng, các quy chế thành viên và quy định tham gia không thỏa đáng của GFTN đã tạo điều kiện để các công ty thành viên lạm dụng một cách có hệ thống.
Theo báo cáo, có rất ít tiêu chuẩn đặt ra đối với các công ty muốn gia nhập GFTN. “Điều này có nghĩa là thậm chí các công ty có dính líu vào các hoạt động phá hoại nghiêm trọng như phá rừng tự nhiên để lập đồn điền hay mua gỗ từ các nguồn bất hợp pháp thì cũng vẫn được gia nhập GFTN và có quyền lợi”.
Bản báo cáo được giới thiệu là “một đánh giá cơ bản về tình hình thực thi và tính hiệu quả của chương trình GFTN” này đã dẫn ra ba trường hợp cụ thể để minh họa cho kết luận này.
Trường hợp thứ nhất là công ty khai thác gỗ Ta Ann Holdings Berhad. Công ty này đã quét sạch rừng mưa ở Borneo với một diện tích tương đương gần 20 sân bóng một ngày trong khi vẫn là thành viên chương trình GFTN của WWF. Điều tra của Global Witness cho thấy công ty này hoạt động hợp pháp trong phạm vi dự án bảo tồn mà WWF quảng bá là “quan trọng đối với sự sống còn của các loài đang bị đe dọa ở Borneo, bao gồm cả đười ươi và báo mây”.
Một thành viên khác của chương trình này, nhà cung cấp vật liệu xây dựng Jewson của Anh cũng bị Global Witness nêu tên vì không đảm bảo nguồn hàng hợp pháp sau gần 10 năm gia nhập. Trong khi đó WWF khẳng định Jewson đã có sự thay đổi về nguồn nhập gỗ sau khi một số vụ việc bất minh bị phát hiện.
Danh sách bị “điểm mặt chỉ tên” của Global Witness còn có công ty gỗ Thụy Sĩ-Đức Danzer Group, do bị cho là có hoạt động dính líu đến xung đột với cộng đồng địa phương ở Cộng hòa Congo.
Nhận xét về quy chế của GFTN trong một thông cáo báo chí, Tom Picken, nhà vận động bảo vệ rừng thuộc Global Witness cho biết: “Các quy tắc của GFTN ít chặt chẽ hơn so với luật pháp của Mỹ và Châu Âu về cấm nhập khẩu gỗ lậu”.
Đáp lại các lời buộc tội trên, WWF cho rằng kết luận của Global Witness là sai lầm và rằng: “GFTN đã đóng góp lớn cho bảo tồn thông qua các thỏa thuận với ngành công nghiệp gỗ. Các thành viên của mạng lưới GFTN đã đưa ra các cam kết rõ ràng về việc từ chối nhập gỗ bất hợp pháp hoặc không có nguồn gốc rõ ràng.”
Về các trường hợp bị chỉ đích danh, WWF cho biết chỉ có các cơ sở chế biến của công ty Ta Ann nằm trong chương trình GFTN và rằng sau năm đầu tiên hợp tác, các nhà máy chế biến của Ta Ann đã có bước tiến về nguồn gốc hàng hóa và: “Cũng như đối với tất cả các thành viên khác, một cam kết lâu dài cùng với một chương trình hành động được phê duyệt là rất cần thiết nếu họ muốn tiếp tục tham gia”.
WWF cũng tiết lộ rằng họ đang điều tra về cáo buộc dính líu tới cộng đồng liên quan tới chi nhánh của công ty Danzer ở Congo: “Trong khi WWF tiếp tục điều tra về vụ việc này, sẽ không có cam kết tiếp theo nào được đưa ra với công ty này”.
Dù sao, Global Winess cũng kêu gọi WWF đánh giá một cách cẩn trọng chương trình này với một cơ quan thanh tra độc lập toàn diện.
Tháng trước, kênh truyền hình ARD của Đức cũng phát đi một bộ phim tài liệu lên án WWF có mối quan hệ mật thiết với các công ty hoạt động thiếu bền vững như công ty thực phẩm biến đổi gen Monsato và công ty phá rừng sản xuất dầu cọ Wilmar. Lời buộc tội này cũng đã bị WWF phủ nhận mạnh mẽ và cho biết họ đang hướng tới “một cuộc đối thoại mang tính xây dựng” với các ngành công nghiệp.