ThienNhien.Net – Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Molecular Psychiatry cho rằng sinh sống lâu trong bầu không khí ô nhiễm có thể gây tổn thương não bộ, gây ra các vấn đề liên quan tới khả năng học tập và ghi nhớ, thậm chí có thể dẫn đến căn bệnh trầm cảm.
Các nghiên cứu về ảnh hưởng của ô nhiễm tới thời điểm này mới dừng lại ở việc nhìn ra tác động của ô nhiễm không khí tới tim phổi, còn tác động tới não bộ thì đây có lẽ là công trình đầu tiên, tác giả chính của nghiên cứu – Laura Fonken, cho biết.
Kết quả nghiên cứu được công bố sau khi tác giả Laura Fonken và các đồng nghiệp của bà tại Đại học Bang Ohio (Hoa Kỳ) tiến hành thử nghiệm trên cơ thể chuột bằng cách để chúng sống trong bầu không khí ô nhiễm 6 tiếng/ngày, 5 ngày/tuần suốt 10 tháng trời.
Sau 10 tháng, nhóm nghiên cứu dành 5 ngày huấn luyện những con chuột thí nghiệm ghi nhớ một lối thoát và bắt đầu kiểm tra trí nhớ cũng như khả năng tập trung thông qua việc đưa chúng ra khu vực ánh sáng và cho chúng 2 phút để tìm kiếm lỗ thoát. Tuy nhiên, phải mất một khoảng thời gian lâu hơn thông thường, những con chuột này mới tìm ra được lỗ thoát. Thậm chí, trong những thử nghiệm tiếp theo, chúng hầu như đã không còn nhớ nổi lỗ thoát nằm ở đâu. Nhiều con còn biểu hiện triệu chứng của căn bệnh trầm cảm.
Thí nghiệm cho thấy tiếp xúc càng lâu với không khí ô nhiễm, não bộ lại càng dễ xảy ra những biến đổi vật lý có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.
Để nắm bắt một cách cụ thể hơn ảnh hưởng của ô nhiễm tới khả năng học tập, ghi nhớ và tính khí, tâm trạng con người, các nhà nghiên cứu thuộc nhóm của bà Laura Fonken đã kiểm tra khu vực hồi hải mã (hippocampus) trên não chuột bằng cách quan sát những sợi nhánh tủa ra từ các tế bào thần kinh, có chứa các đuôi gai, đóng vai trò như một ăng-ten truyền tín hiệu từ tế bào này sang tế bào khác.
Cuối cùng, họ đã tìm thấy những khác biệt hết sức rõ nét về mặt vật lý: những con chuột sống dưới bầu không khí ô nhiễm có ít đuôi gai trong khu vực hồi hải mã hơn, sợi nhánh cũng ngắn hơn và tính phức tạp của các tế bào thần kinh cũng giảm đi.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn phát hiện thêm một số chứng viêm ở vùng hồi hải mã của chuột và những tác nhân hóa học dẫn đến hiện tượng này. Theo bà Fonken thì “vùng hồi hải mã đặc biệt nhạy cảm với tác động của chứng viêm”.
Nhóm nghiên cứu của bà cũng đang nghi ngờ chứng viêm mang tính hệ thống do hô hấp trong bầu không khí ô nhiễm đang lan truyền tới hệ thần kinh trung ương. Điều đó càng chứng tỏ mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới não bộ con người và cả động vật.
Tình trạng ô nhiễm không khí bắt nguồn từ chính lượng khí thải phát từ các phương tiện giao thông, từ các nhà máy, xưởng sản xuất… hòa trộn với bụi tự nhiên. Một khi bị ô nhiễm, bầu không khí sẽ chứa những hạt nhỏ kích thước chỉ khoảng 2,5 micro-mét (bằng 1/30 kích thước của tóc chúng ta) và dễ dàng len lỏi vào sâu bên trong các bộ phận của cơ thể.
Trước đó, cũng nhờ tiến hành thử nghiệm trên loài chuột mà người ta đã nhận ra rằng chính những hạt bụi nhỏ trong không khí là “thủ phạm” gây ra chứng viêm phổ biến trong cơ thể loài chuột và rằng chúng còn có thể liên đới với chứng cao huyết áp, tiểu đường và cả chứng béo phì.