ThienNhien.Net – Sáng ngày 27/7, Tổng cục Môi trường đã phối hợp cùng cơ quan thực hiện dự án của JICA tổ chức hội thảo về Quản lý dữ liệu, dự án “ Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước tại Việt Nam”.
Tham dự hội thảo có T.S Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (TCMT) , đại diện các Vụ, Cục, đơn vị tham gia dự án và các sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế. Về phía Nhật Bản có ông Shigenobu Obayashi, Trưởng nhóm dự án và các chuyên gia Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc hội thảo, T.S Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: trong những năm gần đây, sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam, đã kéo theo sự ô nhiễm môi trường ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước; đặc biệt là các thành phố, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp lớn. Trong công tác bảo vệ môi trường, việc xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn thải, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường là rất quan trọng và cần thiết.
Tuy nhiên, hiện nay công tác kiểm kê nguồn ô nhiễm vẫn gặp rất nhiều khó khăn như: việc kiểm kể nguồn thải chưa thường xuyên và chưa thống nhất ở cả cấp địa phương và trung ương, các quy định, hướng dẫn về quy trình kiểm kê nguồn ô nhiễm vẫn còn thiếu và chưa hoàn thiện. Do đó, việc nâng cao năng lực của các Sở TN&MT và các đơn vị trong TCMT về kiểm kê nguồn ô nhiễm là một trong những mục tiêu quan trọng của Dự án.
Kiểm kê nguồn ô nhiễm (PSI) là tạo một danh sách các nguồn ô nhiễm nước và ước tính thải lượng của những nguồn này trong một khu vực cụ thể, tại một thời gian cụ thể. Ý nghĩa và tầm quan trọng của việc kiểm kê nguồn ô nhiễm nước là một trong những công cụ cơ bản để quản lý và kiểm soát chất lượng nước, tăng cường việc tuân thủ môi trường thông qua việc cung cấp một cơ sở thông tin để xác định nguồn ô nhiễm; xác định và đánh giá các chất ô nhiễm cần quan tâm; xác định các hành động ưu tiên, thực hiện các quyết định đã đưa ra; xây dựng các chiến lược quản lý, kiểm soát chất lượng nước; làm dữ liệu đầu vào cho mô hình chất lượng nước và làm dữ liệu cho việc đánh giá nguy cơ sức khỏe.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe đại diện các sở TNMT Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế trình bày báo cáo về hiện trạng môi trường và kiểm kê quản lý dữ liệu nguồn ô nhiễm nước tại các địa phương.
Các đại biểu đều nhất trí rằng hiện nay còn thiếu cơ sở pháp lý quy định trách nhiệm rõ ràng, cụ thể và đầu mối lưu trữ, chia sẻ thông tin cho việc kiểm kê dữ liệu nguồn ô nhiễm nước, sự tham gia của các cấp cơ sở trong việc thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu còn lỏng lẻo, chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung, thiếu mô hình thông tin, phương pháp chia sẻ thông tin giữa các đơn vị, giữa sở với Bộ TNMT, do đó, cơ sở dữ liệu còn tản mát, chưa thống nhất. Vấn đề năng lực của các cán bộ thu thập thông tin còn nhiều hạn chế, cần phải đào tạo chuyên môn cho công tác thu thập và xử lý cơ sở dữ liệu nguồn ô nhiễm.
Thông qua đó, Hội thảo sẽ tiếp tục xây dựng chương trình, định hướng kiểm kê nguồn ô nhiễm trong quản lý môi trường nước lưu vực sông, xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý, chia sẻ và trao đổi thông tin về nước thải.