ThienNhien.Net – Là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất phân bón, phốt-phát đã chứng tỏ vai trò của mình đối với cuộc cách mạng “xanh”, góp phần không nhỏ vào sự gia tăng sản lượng lương thực trên thế giới. Tuy nhiên, nguy cơ cạn kiệt nguồn dự trữ phốt-phát đang đặt loài người trước một thách thức mới. Nếu các nước không có biện pháp kịp thời thì tương lai của một cuộc khủng hoảng phốt-phát, kéo theo năng suất nông nghiệp giảm sút, đói nghèo gia tăng, sẽ ngày một cận kề.
Phốt-phát vốn là hợp chất vô cơ được khai thác từ tự nhiên; thành phần cấu tạo bao gồm một nguyên tử phốt-pho bao quanh bởi nhiều nguyên tử ô-xy. Cũng giống như nước và không khí, phốt-phát có ảnh hưởng rất lớn tới hệ sinh thái, đồng thời còn là thành phần vô cùng thiết yếu đối với sự sống trên Trái đất. Bón phốt-phát lên đất canh tác chắc chắn sẽ cho năng suất cao hơn gấp nhiều lần. Song, cũng có không ít lượng phốt-phát đã thâm nhập vào nguồn nước, làm suy giảm lượng ô-xy trong nước, gây ra hiện tượng phú dưỡng ở các ao, hồ.
Hiện nay, nguồn dự trữ quặng phốt-phát lớn nhất nằm ở Tây Sahara và phía Nam Morocco. Các mỏ phốt-phát tập trung tại Bou Craa, với sản lượng khai thác lên tới hàng triệu tấn quặng phốt-phát/năm. Thứ quặng này sau khi khai thác sẽ được vận chuyển qua băng chuyền dài 150km ra thẳng khu vực cảng Atlantic của Thành phố El Ayoun (Morocco).
Hàng năm, thế giới sử dụng khoảng 170 triệu tấn phốt-phát để giữ độ màu mỡ cho đất trồng. Trung bình cứ 130 tấn lúa gạo cần dùng 1 tấn phốt-phát. Chỉ tính riêng Tây Sahara và Morocco đã góp 15% vào sản lượng phốt-phát toàn cầu. Hai quốc gia khác cũng có sản lượng khai thác phốt-phát lớn là Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa. Vì vậy, Tây Sahara và Morocco nghiễm nhiên trở thành hai nhà cung cấp chính trên thị trường giao dịch phốt-phát quốc tế. Các nước tiêu thụ nhiều phốt-phát nhất là Ấn Độ và Brazin.
Nghiên cứu địa chất của Hoa Kỳ cho hay dự trữ phốt-phát trên hành tinh của chúng ta hiện còn 65 tỷ tấn, trong đó chỉ khoảng 16 tỷ tấn có thể khai thác được với chi phí hợp lý. 80% con số trên nằm ở Tây Sahara và Morocco. Hoa Kỳ nắm giữ trong tay một lượng dự trữ khiêm tốn – 1,4 tỷ tấn, song rồi chúng sẽ nhanh chóng bị khai thác hết. Đặc biệt, theo dự đoán của Dana Cordell, nhà nghiên cứu hàn lâm thuộc Viện Nghiên cứu Phốt-pho Toàn cầu, sản lượng phốt-pho được sản xuất sẽ đạt đỉnh vào năm 2030.
Quả thực, không có hợp chất hóa học nào thay thế được vai trò của phốt-phát bởi trong khi các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng khác, chẳng hạn như ni-tơ, có thể tìm thấy ở nhiều nguồn khác nhau, thậm chí ngay trong không khí, thì phốt-phát chỉ có thể khai thác từ các mỏ tự nhiên. Trước tình trạng cạn kiệt dần của các mỏ phốt-phát, nếu chúng ta không có giải pháp nào thích hợp, sẽ khó tránh khỏi xảy ra một cuộc khủng hoảng phốt-phát trên phạm vi toàn cầu, không chỉ gây ảnh hưởng tới ngành nông nghiệp mà còn tác động lâu dài đến cuộc sống con người.