ThienNhien.Net – Sản phẩm ắc quy, pin thải bỏ là nguồn tài nguyên rất lớn nên được sử dụng có hiệu quả và giữ lại trong nước thay vì để người dân tự tái chế để xuất khẩu chì thô với giá rất rẻ.
Khi hết hạn sử dụng, ắc quy, săm lốp, pin… sẽ là những sản phẩm thải bỏ, đây được xem là “vấn nạn môi trường” trong thời gian qua.
Dự thảo Quyết định quy định về thu hồi, xử lý một số sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo để trình Chính phủ, được kỳ vọng sẽ đề ra những giải pháp bền vững để giải quyết tình trạng này.
Dự thảo đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
Nguy cơ tác hại môi trường đã được nhận rõ
Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, trong năm 2010 có khoảng 40.000 tấn ắc quy chì được thải bỏ trong nước và dự báo đến năm 2015, con số này sẽ là gần 70.000 tấn.
Phần lớn ắc quy đang được tái chế gia công tại các làng nghề – gây tác hại lớn về môi trường và sức khoẻ con người. Điển hình là tại làng nghề tái chế chì Đông Mai ở Hưng Yên. Tại đây có 61/529 hộ thu gom, với số lao động tham gia là trên 500 người. Do không có các biện pháp quản lý sản xuất tốt cũng như thiết bị xử lý ô nhiễm chưa đáp ứng các yêu cầu về môi trường theo quy định hiện hành, nên đất, nước và không khí của làng nghề này bị ô nhiễm khói bụi chì, nước thải axit trầm trọng.
Bên cạnh đó, ước tính cả nước hiện có khoảng 28 triệu xe mô tô và 1,5 triệu xe ô tô, số lượng này còn gia tăng khoảng 20-25% mỗi năm. Dự báo, đến năm 2021, Việt Nam có thể có 60 triệu xe mô tô và ô tô các loại. Như vậy, một lượng rất lớn các loại ắc quy hết thời hạn, săm lốp sử dụng bị thải loại và trở thành phế thải.
Theo ông Lê Văn Kiều, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ các nước trong khu vực đều đã triển khai quy định về trách nhiệm doanh nghiệp trong thu hồi sản phẩm thải bỏ. Việt Nam cũng cần bắt kịp với xu hướng này, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, việc quản lý không chỉ với doanh nghiệp sản xuất trong nước, mà còn liên quan đến các tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam.
Ông Lê Văn Kiều cũng cho biết, trong cấu thành giá sản phẩm đặc biệt là các sản phẩm của các tập đoàn lớn đã có tính đến 10% chi phí cho thực hiện trách nhiệm môi trường. Vì vậy, triển khai quy định về sản phẩm thải bỏ là rất cần thiết, nên áp dụng và có sửa đổi dần dựa theo nhu cầu thực tế.
Cần lộ trình thực hiện
Dự thảo quyết định về thu hồi, xử lý các sản phẩm thải bỏ đang trong quá trình hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị trình Chính phủ.
Theo đó, nội dung dự thảo nêu rõ về trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm ngay từ công đoạn đưa sản phẩm ra thị trường cho đến khi thu hồi sản phẩm quá hạn. Việc thu hồi phải có tổ chức, quy trình rõ ràng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã báo cáo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về Dự thảo này và lấy ý kiến đóng góp từ nhiều nước.
Các chuyên gia môi trường và các thành viên tổ soạn thảo dự thảo đều cho rằng cần có lộ trình để các doanh nghiệp có thể thực hiện trách nhiệm của mình. Bước đầu có thể thí điểm trước với ngành ắc quy chì, vì các nhà sản xuất đã thấy rõ có lợi ích kinh tế.
Tổng cục Môi trường cũng nêu giải pháp hiện thực hóa quá trình thu mua sản phẩm thải bỏ. Trong bối cảnh nước ta, việc thu hồi các loại ắc quy, săm, lốp… rất khó khăn do hệ thống thu mua manh mún, phức tạp, việc thu hồi sẽ được tính theo khối lượng (tấn/kg) sản phẩm. Doanh nghiệp có thể thu hồi trực tiếp sản phẩm của mình hoặc sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp khác để tính vào kết quả thu hồi sản phẩm của đơn vị mình. Nhờ vậy, việc tháo dỡ và bán lại theo từng đơn vị phụ tùng sẽ linh hoạt, không gây khó khăn cho hoạt động thu hồi.