ThienNhien.Net – Tháng 5/2009, Cù Lao Chàm thuộc cụm đảo xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển Thế giới. Đây là khu dự trữ sinh quyển duy nhất gắn giữa thiên nhiên với không gian đô thị có đa dạng sinh học phong phú. Tuy nhiên, hiện nay sự phát triển rộng rãi của loài cây lá bạc đang trở thành mối đe dọa tại đây.
Thông tin trên Tạp chí Du lịch Việt Nam tháng 7/2011 cho biết, Cù Lao Chàm đang phải đối mặt với “kẻ thù” nguy hiểm là sự phát triển của cây lá bạc, loài cây đang gây hại đến hệ sinh thái rừng nơi đây. Các cánh rừng Cù Lao Chàm đang bị loài cây này “nuốt” dần, chỗ ít khoảng 100m2, chỗ nhiều là 2000 – 3000 m2. Cây lá bạc quấn chặt vào thân và các cành cây cao, leo lên ngọn cây để chiếm lấy ánh sáng. Lâu ngày, những cây này thiếu ánh sáng, chất dinh dưỡng và sẽ bị chết, từ đó dẫn đến nguy cơ cháy rừng, mất cân bằng sinh thái.
Theo PGS.TS Trần Đình Hòe, loài cây này có nguồn gốc từ Trung Quốc, có thể đã “nhập cư” vào hệ sinh thái Cù Lao Chàm từ 5 – 10 năm nay với nhiều nguyên nhân khác nhau. Cây lá bạc phát tán rất nhanh bằng hạt, thân, chồi và rễ. Việc tiêu diệt loài cây này hiện khá tốn kém và ít mang lại hiệu quả.
Cù Lao Chàm được đánh giá cao về đa dạng sinh học, hiện có khoảng 300 loài thực vật có ích, hệ động vật có 12 loài thú, 13 loài chim và 130 loài bò sát, trong đó có khỉ đuôi dài và yến nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Đây là điểm hấp dẫn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Để bảo vệ khu dự trữ sinh quyển thế giới trước nguy cơ bị đe dọa bởi cây lá bạc, các ngành chức năng cần có phương án đối phó kịp thời để tiêu diệt loài cây gây hại trên.