Trả nợ rừng Chạm Chu (Kì 2)

ThienNhien.Net – Khu Bảo tồn Thiên nhiên Chạm Chu được thành lập năm 2001 theo Quyết định số 1536/QĐ-UBND của UBND tỉnh Tuyên Quang, nhưng chưa có ban quản lý. Năm 2008 Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Chạm Chu ra đời. Thiếu nhân lực tuần tra, không đội ngũ cán bộ nghiên cứu, thiếu thốn phương tiện tác nghiệp – đó chỉ là vài điểm kể ra trong vô vàn khó khăn đối với công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học ở Chạm Chu trong suốt thời gian qua.

Trăm dâu đổ đầu…kiểm lâm

Khi chúng tôi ghé thăm, văn phòng Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Chạm Chu đang dở dang thi công. Vì tỉnh chưa có kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nên trong suốt ba năm qua Hạt phải thuê địa điểm làm việc. Văn phòng “lâm thời” là một dãy nhà cấp bốn xây cách đây hơn 20 năm, được công ty lâm nghiệp Tân Thành cho thuê với giá ưu đãi hơn 1 triệu đồng mỗi tháng. Ba trạm kiểm lâm đều thuê lại nhà dân.

 

Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Chạm Chu là đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn 2 huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Chạm Chu. Khi mới thành lập, Hạt có 12 người trong đó có 6 kiểm lâm viên phụ trách 3 trạm tuần tra. Sau khi được bổ sung, quân số Hạt đến nay gồm 19 người.

Ông Hạt trưởng Trần Văn Xuân nhận xét nhân lực như vậy vẫn chưa đủ,  để đảm bảo tốt cho công tác bảo vệ rừng thì ít nhất Hạt cần khoảng 30 người, đó là chưa kể nhu cầu thuê lao động hợp đồng tuần rừng cũng đặt ra rất cấp thiết. Bởi tính phức tạp công việc phát sinh theo mùa, theo từng thời điểm nên nếu chỉ dựa vào lực lượng kiểm lâm biên chế sẽ không thể hoàn thành yêu cầu của công việc.

Từ văn phòng Hạt đến trạm kiểm lâm gần nhất đóng trên địa bàn xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên mất 3 tiếng đồng hồ đi xe máy. Trạm kiểm lâm xa nhất nằm trên địa bàn huyện Chiêm Hóa cách trụ sở Hạt khoảng hơn 90 km. Những con đường đất vốn gồ ghề, đi lại càng khó khăn hơn vào mùa mưa. Vì thế, khả năng hỗ trợ các trạm trong tình huống khẩn cấp cực kỳ hạn chế.

Chúng tôi có mặt tại trạm kiểm lâm Phù Lưu khi cơn mưa mùa chưa dứt. Đây là Trạm quản lí địa bàn rừng đặc dụng trên 2 xã Phù Lưu và Yên Thuận. Khoảng cách đi lại trên địa bàn Phù Lưu, Yên Thuận khá lớn nhưng vì thiếu con người, thiếu đầu tư nên cả hai xã chỉ có chung một trạm kiểm lâm. Năm 2010, Hạt đã đề nghị cấp trên thành lập một trạm riêng cho Yên Thuận, nhưng tới nay vẫn chưa được.

Sau chuyến tuần rừng thấm mệt, kiểm lâm Phạm Xuân Chiến đang tự lo cơm nước

Xã Phù Lưu nằm giáp ranh với địa phận huyện Bắc Quang của tỉnh Hà Giang, có lượng mưa lớn và liên tục nhiều tháng trong năm nên còn được gọi là vùng rốn lũ. Mưa lũ thường ập đến bất ngờ, diện tích rừng rộng, địa bàn phức tạp, đường giao thông đi lại khó khăn nên công tác tuần rừng ở đây bị cản trở nhiều.

Văn phòng Trạm là một ngôi nhà nhỏ mái tranh, vách đất được thuê lại của một hộ dân địa phương với giá 300.000đ/tháng. Căn phòng chừng 15m2 đủ kê bộ bàn ghế và 1 chiếc giường con. Đây vừa là nơi làm việc, vừa là nơi ăn nghỉ của 3 cán bộ kiểm lâm.

Đón chúng tôi ở trạm Phù Lưu là kiểm lâm Phạm Xuân Chiến còn khá trẻ. Chiến nửa đùa bảo: “Các anh thấy đấy, nếu không yêu nghề, chấp nhận gian khổ với những chuyến đi rừng quanh năm suốt tháng thì làm sao giữ nổi rừng”.

Qua câu chuyện của Chiến và những người đồng đội, chúng tôi đã phần nào hiểu hơn về cuộc sống chốn rừng xanh, về những nỗi nhớ nhà và khó khăn thiếu thốn của các anh. Khoác trên mình chiếc áo xanh là niềm tự hào nhưng đồng thời cũng là trọng trách nặng nặng nề của người kiểm lâm.

Sau những ngày tuần rừng vất vả, những chuyến truy bắt lâm tặc đột xuất phải băng suối, lội rừng thẳm trong đêm, các chiến sỹ kiểm lâm lại trở về trạm tự tay mình lo bữa cơm đạm bạc.

Bữa cơm với kiểm lâm, đó là những ấn tượng ghi dấu nhất trong tôi sau mỗi chuyến đi rừng. Tuy mỗi nơi, hương vị cá suối, rau rừng có khác nhau đôi chút, nhưng khi chúng tôi cùng nâng chén rượu, hàn huyên về cuộc sống và công việc của những người kiểm lâm, những tâm sự của họ luôn khiến tôi có cảm giác những người anh em đó đã thân thiết từ lâu và dường như chúng tôi không phải mới gặp nhau lần đầu.

Điệu cười nhỏn nhoẻn của Chiến khi trả lời tôi rằng thích rừng rú nên mới ở trong này thôi, rằng mỗi tháng chỉ về thăm nhà được một đôi lần, nếu về nhiều thì lương cũng chỉ đủ tiền xăng xe…. hình như tôi đã nghe ở rừng Tát Kẻ – Bản Bung, ở rừng Trùng Khánh của Cao Bằng hay một chuyến đi rừng nào đó khác mà tôi không nhớ ra.

Trạm của các anh phải bảo vệ hơn 6 nghìn ha rừng. Như vậy tính bình quân mỗi người quản lý 2.000 ha. Sức người có hạn, để đi hết được ngần ấy diện tích đã là khó, chưa kể xung quanh rừng và bên trong rừng đều có dân sinh sống. Nếu không lôi kéo được sự ủng hộ của bà con, không dựa được vào sức dân thì ngả nào có thể đi lại được đều có thể là cửa rừng đối với lâm tặc.

Cuộc chiến dưới tán rừng

Thông qua hồ sơ vụ việc được lưu ở Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang và Hạt kiểm lâm huyện Hàm Yên, chúng tôi đã biết được phần nào công việc mà các chiến sĩ kiểm lâm nơi đây đang phải đối mặt.

Ông Vũ Đình Tải – Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh – xót xa khi nhắc tên những người đồng chí như Trần Xuân Bắc, Nguyễn Thế Thiệu, Phạm Hồng Nhật, trong khi thi hành nhiệm vụ họ đã phải đánh đổi tính mạng của mình. Những chiến sĩ hi sinh hầu hết nằm trong đội kiểm lâm cơ động tham gia vây bắt lâm tặc.

Trong năm 2009-2010, số vụ vi phạm và số vụ chống người thi hành công vụ không hề thuyên giảm mà còn tăng lên. Lâm tặc ngày càng liều lĩnh, trang bị cả vũ khí nóng sẵn sàng chống đối. Không ít vụ lâm tặc dùng dấu búa giả kiểm lâm để vận chuyển gỗ qua các trạm kiểm soát, khi bị phát hiện chúng đã nổ súng uy hiếp. Ông Tải chia sẻ có trường hợp, lâm tặc vận chuyển gỗ dưới dạng thành phẩm, biết là gỗ trái phép mà không bắt giữ được vì luật không quy định xử lý gỗ trái phép dạng thành phẩm.

Trên địa bàn quản lý của Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Chạm Chu, trong năm 2010 đã xảy ra 134 vụ vi phạm được ghi nhận trong báo cáo, tăng 30 vụ so với năm 2009, phần lớn là hành vi khai thác gỗ rừng trái phép và buôn bán vận chuyển lâm sản. Đa số các vụ xử lý hành chính, thu nộp ngân sách hơn 642 triệu đồng. Trường hợp bắt giữ lớn nhất xảy ra đầu năm 2010 tại huyện Chiêm Hóa, tang vật tịch thu là 850 thớt gỗ nghiến.

Tại Hàm Yên, số vụ vi phạm bị bắt giữ nhiều hơn và có tính chất phức tạp hơn so với Chiêm Hóa. Trong năm 2010, trên địa bàn huyện xảy ra 88 vụ, trong đó có 8 vụ xử lý hình sự khởi tố 10 bị can, trong khi tại Chiêm Hóa là 46 vụ.

Một tối mưa phùn đầu năm 2010, nhóm tuần tra thuộc tổ kiểm lâm cơ động Hạt kiểm lâm Hàm Yên do Hạt phó Phương Văn Đông chỉ huy khi đến ngã ba giáp ranh hai xã Phù Lưu, Hàm Thuận thì bất ngờ phát hiện nhóm đối tượng lạ mặt dùng xe máy vận chuyển một khối lượng gỗ lớn, lập tức tổ tuần tra chia nhóm áp sát để truy bắt đối tượng.

Ông Trần Văn Xuân - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu: "Cuộc chiến với lâm tặc cam go chưa kết thúc"

Ông Đông kể lại: “Khi chúng tôi vây bắt, lâm tặc chống trả rất quyết liệt. Chúng vứt lại cả khúc gỗ to để cản đường, có tên còn lao thẳng xe máy vào kiểm lâm. Tuy nhiên, hôm ấy chúng tôi đã tóm được các đối tượng vi phạm ngay trong đêm”.

Môt vụ khác diễn ra vào khoảng giữa năm 2010, đội kiểm lâm cơ động đang tuần tra khu vực vùng đệm thuộc xã Phù Lưu, cách KBT Cham Chu khoảng 6km thì phát hiện hai xe máy mang biển kiểm soát 22H8-0042 và 22K4-7465 đang vận chuyển gỗ hoàng đàn và nghiến ra điểm tập kết. Bị truy bắt, các đối tượng đã chống trả quyết liệt bằng vôi bột và vũ khí nóng để tẩu thoát.

Báo cáo của Hạt kiểm lâm huyện Hàm Yên cho biết trong năm 2010 số vụ vi phạm bị kiểm lâm xử lí tăng. Lợi dụng địa hình phức tạp, các đối tượng thường sử dụng xe máy để vận chuyển lâm sản, khi bị phát hiện chúng sẵn sàng bỏ của chạy lấy người.

Sau khi rừng được quy hoạch thành khu bảo tồn, công tác bảo vệ rừng được quan tâm hơn. Tuy nhiên, sự phân định ranh giới trên thực tế chưa được xác lập rõ ràng khiến công tác bảo vệ rừng của kiểm lâm va phải khó khăn. Một bộ phận dân cư tiếp tay cho lâm tặc, hoặc chính họ đã lợi dụng sự thiếu phân định ranh giới để tranh thủ phá rừng.

Lực lượng mỏng, quyền hạn xử lý vi phạm bị hạn chế đã là một cái khó, việc xử lý đối tượng vi phạm đôi khi cũng vất vả không kém. Nhiều vụ vi phạm, đối tượng bị xử phạt là bà con dân tộc thiểu số sống tại chỗ, nếu kiểm lâm mang quy định pháp luật ra “ốp” thì bà con không hiểu và không chịu, nếu áp mức phạt theo đúng luật thì bản thân họ không có khả năng nộp phạt, thành ra phải giải thích bằng cái tình, coi như “hòa cả làng”.

Những câu chuyện về khó khăn trong tác nghiệp của lực lượng kiểm lâm nơi đây có lẽ nếu tôi dành một buổi sáng để nghe cũng chưa hết, nào là việc đối tượng vi phạm khai man lý lịch gây khó khăn cho kiểm lâm khi điều tra, triệu tập, nào là những chiêu lách luật tinh vi của những kẻ buôn bán gỗ, lấy hóa đơn chứng từ ở dưới xuôi lên để hợp thức hóa sản phẩm làm từ gỗ rừng khai thác trái phép, hay khó khăn phối hợp giữa kiểm lâm và công an khi xử lý vi phạm dùng búa kiểm lâm giả.

Trong mấy đề xuất của Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Chạm Chu, tôi thấy có đề nghị Bộ Nông nghiệp ban hành các Quyết định thay thế các quy chế hiện tại về khai thác, kiểm tra và kiểm soát lâm sản. Có lẽ câu chuyện xảy ra trên thực tế đang khác biệt rất nhiều so với những văn bản quy định, quy hoạch trên giấy tờ.