Đắk Lắk: rừng giao khoán bị tàn phá

Phần lớn diện tích giao khoán cho người dân chủ yếu là rừng nghèo; nhiều diện tích rừng còn bị chặt phá để làm nương rẫy.Ảnh:Báo Đắc Lắk

ThienNhien.Net – Gần đây, hàng nghìn ha rừng giao khoán cho hộ và nhóm hộ ở các huyện thuộc Đắc Lắc như Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea H’leo… đã bị chặt phá. Hầu hết các diện tích giao khoán đã biến thành nương rẫy canh tác hoặc bỏ mặc không quản lý bảo vệ.

Thực hiện Quyết định 304/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm giao đất giao rừng, Đắc Lắk đã thực hiện giao đất giao rừng cho người dân từ năm 2006. Bước đầu người dân tham gia rất nhiệt tình, nhưng không lâu, những cánh rừng do dân quản lí liên tục bị tàn phá, người dân xâm lấn để lấy đất canh tác.

4 buôn T’ly, Chăm, Diêk, Ka Ry ở xã Ea Sol, huyện Ea H’leo được giao 4.000 ha rừng với 428 hộ gia đình tham gia quản lý, bảo vệ; đến nay hơn 1.000 ha rừng gần như bị xóa sổ.

Ở Buôn Đôn, năm 2006, huyện đã tiến hành giao 1.000 ha rừng cho 50 hộ ở 2 xã Ea Huar và Krông Na. Tuy nhiên, sau 5 năm, chỉ có vài hộ chủ động khai hoang diện tích đất lâm nghiệp cho phép làm nông nghiệp để tiến hành sản xuất; một số hộ sau khi nhận rừng đã tổ chức canh gác, giữ rừng; còn lại phần lớn các hộ vì thiếu nhân lực thiếu kinh phí nên bỏ mặc.

Năm 2008, UBND huyện Cư M’gar triển khai việc giao đất, giao rừng cho hộ và nhóm hộ ở xã Ea Mdroh quản lý và bảo vệ. Toàn xã Ea Mdroh có 84 hộ được giao quản lý, chăm sóc và bảo vệ 692 ha rừng và đất lâm nghiệp, bình quân mỗi hộ quản lý bảo vệ 8,2ha. Qua kiểm kê của ngành địa chính xã Ea Mdroh đầu năm 2011 đã có hơn 150 ha rừng giao khoán bị chặt phá chuyển sang trồng bắp, đậu, mía và điều. Tại các buôn Chua, Ea Mdroh, thôn 1 và thôn 2, tình trạng này cũng xảy ra tương tự. Tại tiểu khu 564, phần lớn diện tích rừng bị chặt phá, thay vào đó là rẫy trồng bắp, sắn.

Nguyên nhân của tình trạng trên được Chi cục Kiểm lâm Đắc Lắc xác định là do việc giao rừng chưa giúp hộ nghèo giải quyết những nhu cầu thiết yếu của đời sống hằng ngày; mục tiêu giúp người dân hưởng lợi các sản phẩm gỗ theo chu kỳ kinh doanh theo QĐ 178 của Thủ tướng Chính phủ cùng toàn bộ sản phẩm thu hoạch trên diện tích rừng được giao cùng hoạt động hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chưa được thực hiện nghiêm túc; quá trình tổ chức thực hiện thiếu đồng bộ giữa các cấp ngành, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc.