Trả nợ rừng Chạm Chu (Kì 1)

Ký ức buồn…

ThienNhien.Net – Bây giờ người dân xã Yên Thuận mỗi khi nhắc lại chuyện cũ vẫn chưa hết nguôi ngoai về những ngày đói kém hơn mười năm về trước, khiến họ buộc lòng tàn phá hàng nghìn héc ta rừng già. Yên Thuận cũng từng được biết đến như cái nôi sản sinh ra những lâm tặc khét tiếng.

Yên Thuận là xã vùng sâu khó khăn nhất của Hàm Yên, huyện vùng núi phía Bắc tỉnh Tuyên Quang. Từ thị trấn Hàm Yên dọc theo con đường đất gập ghềnh được gọi là tỉnh lộ DT 189, mất gần 3 tiếng đi xe máy mới chạm chân được đến Yên Thuận.

Thấp thoáng những ngôi nhà nhỏ chênh vênh trên sườn núi, những thân cọ cao thỉnh thoảng nằm chen vào những vạt sắn, xen lẫn giữa màu xanh của những ruộng ngô đang lên là những mảng nâu tàn của những vạt rừng mới đốt. Ít ai nghĩ rằng những bản làng này trước đây vốn nằm dưới tán của cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn những cây gỗ quý hiếm.

Trưởng thôn Khau Làng, anh Đặng Văn Si người dân tộc Dao kể lại rằng cách đây khoảng hơn chục năm bà con vẫn chủ yếu sống nhờ du canh. Đất đai sản xuất không có, khoa học kỹ thuật cũng không, nên họ chẳng biết nên làm gì để ổn định cuộc sống. Trên vùng đất quanh năm mây mù bao phủ này, bà con chỉ biết trồng mỗi cây sắn, cây ngô. Nhưng cây ngô cây sắn trồng ở mảnh đất này đều cằn cỗi, đến kì thu hoạch chỉ được vài hạt lưa thưa.

Nguồn thu không có, ốm đau triền miên, đẩy người dân vào hoàn cảnh đói khổ. “Đói thì đầu gối phải bò” người dân lũ lượt bồng bế kéo nhau lên rừng kiếm sống. Ban đầu họ chỉ chặt củi, săn thú về sau họ chuyển sang xẻ gỗ, đốt than… Chính vì những việc làm này mà nhiều cánh rừng ở Yên Thuận bị triệt hạ mỗi ngày một nhiều, người dân trong thôn vẫn chủ yếu sống nhờ du canh vì họ không có đất sản xuất.

Anh Si người nhỏ nhắn, dáng hiền lành, nếu mới đến không ai nghĩ anh là trưởng thôn, càng không thể mảy may ngờ được rằng trước đây anh từng là một lâm tặc có tiếng.

Trưởng thôn Đặng Văn Si: "Nơi đây từng là những cánh rừng già"

Anh từng làm trưởng một toán xẻ gỗ thiện nghệ. Chỉ với một búa và một cưa xẻ nặng gần ba ký, biết bao nhiêu cây rừng đã bị triệt hạ bởi chính bàn tay của anh. “Ngày đó không chỉ có đội của mình đâu, nhiều đội lắm. Nhưng bọn mình có cưa to sắc nên hạ nhiều cây hơn” – Anh Si nhớ lại. “Cũng vì đói quá mà liều, cả khúc gỗ hoặc gánh than đốt cả ngày cũng chỉ đổi được ba ký gạo hoặc năm ký ngô, nhưng không làm vậy thì lấy gì mà sống.”

Ở thôn Cao Đường bên cạnh thời đó “phong trào phá rừng” cũng đang lên cao. Người người, nhà nhà đi phá rừng. Trẻ em, phụ nữ thì lấy củi, đốt than, đàn ông thì xẻ gỗ. Bẫy thú đặt la liệt trong rừng. Những thân cây lớn cứ ràm rạp ngã xuống, mặc dù bấy giờ người ta chưa chủ bụng đốn gỗ để làm giàu.

Người dân tự cấp cho mình quyền định đoạt rừng, thành ra mới có chuyện kiểm lâm đi tuần tra bị dân bản vác dao đuổi đánh. Anh Hà Quốc Huy, kiểm lâm viên trạm Phù Lưu (thuộc xã Yên Thuận) tâm sự: “Ở các xã đều có các trạm kiểm soát tuy nhiên chúng tôi cũng khó mạnh tay vì lực lượng quá mỏng trong khi người dân chưa ý thức được việc bảo vệ rừng. Cũng đã có  trường hợp máu kiểm lâm phải đổ xuống”.

 

* Chạm Chu: hay còn được gọi Cham Chu, Chàm Chu