ThienNhien.Net – Tỉnh Hà Giang đang chỉ đạo các cấp, ngành tạo cơ chế, môi trường thuận lợi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng, phát triển rừng; quy hoạch các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung gắn với phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ lâm sản.
Tỉnh cũng có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là chính sách về vay vốn ưu đãi, giao đất, giao rừng cho tổ chức, cá nhân; rà soát, kiên quyết thu hồi những diện tích lâm nghiệp, rừng đã được giao nhưng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích để giao cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu và năng lực phát triển rừng. Cùng với đó, xây dựng tập đoàn cây giống phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, miền đảm bảo rừng trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo quy hoạch ba loại rừng trên địa bàn tỉnh Hà Giang, diện tích đất có rừng của tỉnh là 552,034 nghìn héc-ta, chiếm 79% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, rừng đặc dụng 49,5 nghìn héc-ta, rừng phòng hộ gần 219.000ha và 283.000 ha rừng sản xuất. Đây là lợi thế rất lớn nếu chính quyền các cấp và người dân Hà Giang có chiến lược đầu tư, khai thác hiệu quả, người dân sẽ có nguồn thu nhập chính đáng từ rừng, đồng thời ngăn chặn được tình trạng phá rừng đang diễn ra rất nóng bỏng trên địa bàn tỉnh.
Nhằm phát huy lợi thế từ rừng, ngay từ năm 2007, tỉnh đã có định hướng phát triển kinh tế rừng theo phương châm gắn trồng rừng với phát triển công nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao để trồng rừng thâm canh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, hiệu quả kinh tế cao, trong đó phấn đấu đến hết năm 2012 phải tạo được 6 vạn héc-ta rừng kinh tế chủ lực gồm 1,5 vạn héc-ta rừng nguyên liệu giấy; 2 vạn héc-ta rừng nguyên liệu ván nhân tạo; 1,5 vạn héc-ta rừng đồ mộc và sản phẩm khác; 1 vạn héc-ta lâm sản ngoài gỗ.
Các loại rừng này được trồng bằng những giống có năng suất, hiệu quả kinh tế, trồng tập trung theo từng vùng sinh thái với mức đầu tư thâm canh cao cả về vốn, lao động, khoa học kỹ thuật, đảm bảo đạt năng suất tối thiểu 14m3/ha/năm để trong vòng từ 6 – 8 năm có khả năng cung cấp tối thiểu 50 – 60 vạn mét khối gỗ/năm.
Cùng với diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên hiện có, tỉnh Hà Giang phấn đấu đến năm 2020 đảm bảo cung cấp nguyên liệu sản xuất cho 10 vạn tấn bột giấy, 20 vạn mét khối gỗ nhân tạo, 1 vạn mét khối sản phẩm mỹ nghệ và gia dụng khác.
Để triển khai hiệu quả các biện pháp bảo vệ diện tích rừng hiện có và phát huy tối đa lợi thế của rừng, tiềm năng lao động địa phương, bảo vệ rừng gắn với phát triển bền vững tài nguyên rừng, góp phần nâng độ che phủ của rừng, cải thiện đời sống người dân miền núi, xây dựng nông thôn mới… Hà Giang đã làm tốt việc giao đất, giao rừng, khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng, qua đó giúp tăng thu nhập cho người dân sống ven rừng.
Tuy nhiên, nhận thức, trách nhiệm của chủ rừng đối với diện tích được giao quản lý chưa cao, họ sẵn sàng phá rừng ngay trên diện tích được giao khoanh nuôi, bảo vệ. Bên cạnh đó, các chương trình, dự án trồng rừng đã mang lại hiệu quả thiết thực nhưng diện tích rừng trồng được vẫn chưa tăng nhiều. Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá với tổng nguồn vốn thực hiện trên 410,6 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước trên 279,119 tỷ đồng, vốn địa phương 43,408 tỷ đồng…
Việc triển khai thực hiện dự án sẽ thu hút các hộ gia đình trên địa bàn tham gia vào hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo thêm việc làm cho trên 10.000 lao động vùng dự án. Đồng thời cũng góp phần xóa đói giảm nghèo cho trên 5.153 hộ, tạo cơ hội nâng mức thu nhập của các hộ dân vùng dự án lên 8 – 10 triệu đồng/năm…