ThienNhien.Net – Rừng mưa Congo là khu rừng mưa lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Amazon. Là một trong những khu rừng nguyên sinh nguyên thủy hiếm hoi còn lại trên trái đất, ngày nay khu rừng giàu có này cũng đang đứng trước những mối đe dọa từ tác động của con người.
Lưu vực Congo với diện tích khoảng 3,7 triệu ki-lô-mét vuông (1,5 triệu dặm vuông) trải khắp 6 nước: Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Congo, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Guinea Xích đạo và Gabon. Phần lớn diện tích rừng mưa đều nằm trên lãnh thổ Cộng hòa Dân chủ Congo.
Nơi tiêu thoát nước cho rừng mưa Congo chính là sông Congo, con sông lớn thứ hai châu Phi và cũng là sông lớn thứ hai thế giới chỉ sau sông Amazon.
Rừng mưa Congo nổi tiếng không chỉ về các cư dân sinh sống tại đây mà còn về cả thế giới tự nhiên hoang dã đầy màu sắc. Đặc biệt hơn, Congo là “ngôi nhà” của tộc người “pygmies”, hay còn gọi là “người lùn” (tên gọi ấy xuất phát từ tầm vóc nhỏ bé của họ). Song, thuật ngữ “pygmy” có chút nhầm lẫn bởi trên thực tế, nơi đây có một vài bộ tộc khác nhau sinh sống, gồm cả bộ tộc Mbuti, Aka, Baka và Twa. Tất cả các bộ tộc này đều hiểu biết và gắn bó với hệ sinh thái rừng mưa và đời sống tự nhiên bên trong rừng mưa.
Người “Pygmies” sống theo kiểu du cư, nay đây mai đó, song nền văn hóa của họ đang thay đổi nhanh chóng vì nạn phá rừng và di cư của các cộng đồng khác tới khu vực rừng mưa mà họ cư trú.
Rừng mưa Congo là ngôi nhà của vô số các loài động, thực vật.
Trong số những loài động vật có mặt tại rừng mưa, được biết đến nhiều nhất là: khỉ đột núi và khỉ đột vùng đất thấp – cả hai loài đều đang gặp nguy hiểm; voi rừng – loài nhỏ hơn nhưng bị đe dọa nhiều hơn loài voi sống ở các thảo nguyên; hươu đùi vằn – một loài hươu cao cổ rừng rất lạ được phát hiện vào năm 1899; tinh tinh và tinh tinh lùn bonobo cùng nhiều loài động vật quen thuộc chuyên sinh trưởng ở vùng đồng cỏ và hoang mạc, thảo nguyên như hà mã, sư tử, linh dương và báo.
Hiện nay, rừng mưa Congo đang ngày càng bị đe dọa bởi tác động từ con người. Hoạt động khai thác gỗ đã phá hủy nhiều vùng rừng rộng lớn. Việc canh tác trên quy mô nhỏ cũng làm mất đi một phần diện tích của rừng, đặc biệt là khu vực gần những thành phố và thị trấn.
Khai mỏ khiến những cánh rừng bị tàn phá, gây ô nhiễm những dòng sông trên một số địa bàn thuộc Congo. Đồng thời, hoạt động đầu tư của các chủ nông và chủ đồn điền lớn càng khiến người ta quan ngại rằng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa còn có thể làm bùng phát nạn phá rừng.
Nạn buôn bán thịt rừng đang hoành hành tại một số nước, nơi có rừng mưa Congo. Một số lượng lớn động vật hoang dã đã rơi vào tay những kẻ săn trộm và thịt của chúng bị đem rao bán cho cư dân trong các thành phố, đôi khi còn được vận chuyển tới cả New York xa xôi.
Song, trong khi phá rừng đang là một mối lo ngại lớn dần đối với rừng mưa Congo thì chúng ta vẫn có thể hy vọng bởi cộng đồng quốc tế đang ra sức hợp tác với các chính phủ có rừng Congo để tìm ra những giải pháp mới đầu tư bảo tồn rừng mưa; và rất nhiều tổ chức uy tín khác cũng đang nỗ lực làm việc nhằm bảo vệ đời sống tự nhiên cũng như hỗ trợ các cộng đồng bản địa tại đây.