ThienNhien.Net – Những đợt nóng rõ ràng có thể phá hủy các vụ thu hoạch mùa màng. Bằng chứng gần đây là nước Nga giảm tới 1/10 sản lượng bột mì trong năm 2010 chỉ vì nền nhiệt tăng cao. Các nhà sinh thái học cây trồng cũng chỉ ra rằng, khi nhiệt độ tăng hơn mức 1 độ C, sản lượng ngũ cốc nó có thể giảm 10%. Nóng lên toàn cầu và hệ lụy tan băng rõ ràng đang ảnh hưởng và đe dọa nguồn cung lương thực của thế giới. Đó là những cảnh báo từ cuốn sách “World on the Edge” (Tạm dịch: Thế giới trong cơn nguy khốn) của tác giả Lester R. Brown – người sáng lập, đồng thời là Chủ tịch Viện Chính sách Trái đất. Xin giới thiệu với độc giả qua bài điểm sách dưới đây.
Nhấn chìm các đồng bằng trồng lúa
Không ít dải băng ở Tây Nam Cực và đảo Greenland đang tan chảy với tốc độ nhanh chóng do nền nhiệt tăng cao. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, sự kết hợp giữa việc tan chảy các dải băng và sông băng cộng với sự ấm lên ngày càng rõ rệt của đại dương có thể nâng mực nước biển cao thêm 6 feet (1,83m) trong thế kỷ 21. Điều đáng ngại là chỉ cần mực nước biển tăng khoảng một nửa giá trị đó, tức tương đương 0,9m thì đã đủ làm giảm mạnh sản lượng lúa ở khu vực châu Á, nơi cung ứng gạo cho hơn một nửa dân số thế giới và chiếm 90% diện tích gieo trồng lúa gạo trên toàn cầu.
Đặc biệt, hệ lụy từ việc băng tan nhanh sẽ làm ngập một nửa cánh đồng lúa ở Bangladesh và nhấn chìm một phần diện tích Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Ảnh hưởng không mong đợi này sẽ khiến Việt Nam giảm sản lượng xuất khẩu gạo, và khi đó 20 quốc gia khác hoặc nhiều hơn đang nhập gạo từ Việt Nam sẽ phải tìm kiếm đối tác cung ứng mới.
Tình trạng ngập lụt cũng diễn ra tương tự tại nhiều vùng đồng bằng trồng lúa thuộc châu Á dưới tác động của hiện tượng băng tan với các mức độ ngập không giống nhau.
Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Khối băng tuyết khổng lồ trên các dãy núi trên thế giới vốn là nơi lưu trữ lâu dài lượng nước cung cấp cho sinh hoạt và nông nghiệp, nhưng nguồn nước ấy hiện đang suy giảm nghiêm trọng do các dải băng và sông băng trên núi tan nhanh. Có thể nói, chúng ta đang mất dần các “hồ chứa tự nhiên” mà rất nhiều trang trại và thành phố đang trông mong, phụ thuộc.
Tại Nam Mỹ, khoảng 22% sông băng của Peru, nơi thường cung cấp nước cho các trang trại và nhiều thành phố ở khu vực ven biển đã hoàn toàn biến mất. Theo báo cáo năm 2007 của nhà nghiên cứu sông băng Lonnie Thompson (Đại học Tổng hợp bang Ohio, Mỹ), từ những năm 1960, lượng nước sông băng Quelccaya thuộc phía Nam Peru đã giảm 20 feet (6,1m) mỗi năm, nhưng con số này hiện nay còn tăng lên gấp 10 lần, tương đương 200 feet/năm.
Bolivia cũng là quốc gia đang mất dần những sông băng, nguồn cung cấp nước chủ yếu cho các trang trại và thành phố. Từ năm 1975 đến 2006, diện tích sông băng của nước này đã giảm đi một nửa, trong đó dòng sông băng nổi tiếng thế giới Chacaltaya của Bolivia đã biến mất từ 2 năm trước.
Đối với 53 triệu người sống tại Peru, Bolivia và Ecuador, việc mất đi các sông băng trên núi và nguồn nước sông vào mùa khô còn đe dọa tới an ninh lương thực và sự ổn định chính trị tại quốc gia họ. Không chỉ gây khó khăn cho nông dân trong sản xuất lúa mì và khoai tây, thực trạng suy giảm nguồn nước từ các dòng sông băng còn làm mất đi một nửa nguồn cung cấp điện từ các nhà máy thủy điện. Cộng đồng Andean thuộc Peru hiện đang là địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất do hiện tượng này.
Cũng tại Peru, mực nước trên các dòng sông băng ngày càng giảm khiến lượng nước từ các dãy núi đổ về vùng ven biển khô cằn – nơi đang có 60% người dân Peru sinh sống – cũng giảm theo, đặc biệt là trong mùa khô. Khu vực này bao gồm cả thành phố Lima, thành phố sa mạc lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau thủ đô Cairo (Ai Cập). Với thực trạng nguồn cung nước suy giảm như hiện nay, nghiên cứu của Liên hợp quốc đưa ra nhận định, một cuộc khủng hoảng dường như đang chực chờ xảy ra tại đất nước xinh đẹp này.
Đáng chú ý là tại nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp trên thế giới, tuyết hiện là nguồn nước uống và tưới tiêu chủ yếu. Đơn cử như sông Colorado – nguồn cung cấp nước đáng kể cho hoạt động tưới tiêu tại bang California thuộc miền tây nam nước Mĩ nhưng con sông này lại phụ thuộc rất lớn vào những cánh đồng tuyết trên dãy núi Rocky. Ngoài việc lệ thuộc vào sông Colorado, bang California còn tận dụng nguồn tuyết tan từ dãy núi Sierra Nevada để cung cấp nước cho Central Valley, khu vực nông nghiệp quan trọng của nước Mĩ, nơi trồng khá nhiều rau và hoa quả.
Theo một nghiên cứu về sự ảnh hưởng của nền nhiệt gia tăng tới ba hệ thống sông lớn thuộc phía Tây Hoa Kì, gồm Columbia, Sacramento, và Colorado, nguồn nước trên các núi tuyết cung cấp cho ba hệ thống sông này sẽ giảm mạnh, và lượng mưa mùa đông cùng lũ lụt tăng lên. Dự kiến, khu vực tuyết ở phía Tây nước Mĩ sẽ giảm khoảng 70% vào giữa thế kỉ 21.
Nghiên cứu khác về thung lũng sông Yakima, nơi trồng nhiều hoa quả thuộc tiểu bang Washington, Mĩ cũng cho hay, sản lượng thu hoạch tại đây bị hao hụt đáng kể từ khi lượng nước tưới tiêu trên các núi tuyết thuyên giảm.
Tại Trung Á, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở các nước như Afghanistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, và Uzbekistan phụ thuộc rất nhiều vào lượng tuyết tan từ các dãy núi Hindu Kush, Pamir, và dãy núi Tiên Sơn. Các nước gần Iran cũng lấy được nhiều nước từ tuyết tan trên dãy núi Alborz cao 5.700m nằm giữa Tehran và biển Caspi.
Và “bức tranh cận cảnh” tại Trung Quốc và Ấn Độ…
Hiện tượng băng tan trên dãy Himalaya và Cao nguyên Tây Tạng đang đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh lương thực toàn cầu, đặc biệt là đối với Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đông dân nhất thế giới. Băng tan từ các dãy núi này sẽ giúp duy trì nguồn nước cho các con sông lớn ở khu vực châu Á trong suốt mùa khô, thời điểm cần sử dụng tối đa nhu cầu nước.
Tại lưu vực sông Hằng, sông Hoàng Hà, và sông Dương Tử, nhu cầu tưới tiêu phụ thuộc rất lớn vào các con sông, vì thế sự biến mất bất kỳ dòng chảy nào trong mùa khô cũng là sự mất mát lớn đối với nông dân. Trung Quốc hiện đang là nước dẫn đầu thế giới về sản xuất lúa mì, Ấn Độ đứng thứ hai (Hoa Kỳ thứ ba), và hai quốc gia này cũng đang thống trị thế giới về sản lượng gạo, tuy nhiên sự tan chảy của các sông băng trên núi cộng với việc suy giảm tầng nước ngầm hiện tại sẽ là mối đe dọa lớn cho an ninh lương thực toàn cầu nói chung, và hai quốc gia nói riêng.
Tại Ấn Độ, sông băng khổng lồ Gangotri, nơi cung cấp nước cho sông Hằng trong mùa khô hiện cũng đang tan chảy với tốc độ nhanh chóng. Điều đáng quan ngại là sông Hằng hiện là nguồn nước tưới tiêu quan trọng nhất của Ấn Độ và là nguồn cung ứng nước cho 407 triệu người sinh sống ở lưu vực sông.
Theo nhà nghiên cứu sông băng hàng đầu Trung Quốc Yao Tandong, các sông băng trên Cao nguyên Tây Tạng ở miền Tây Trung Quốc cũng đang trong tình trạng tan chảy nhanh. Rất nhiều sông băng nhỏ hơn đã biến mất hoàn toàn. Nhà nghiên cứu này tin rằng, 2/3 sông băng có thể biến mất vào năm 2060. “Nếu các sông băng tiếp tục tan chảy, nó có thể dẫn đến một thảm họa sinh thái” – ông Yao nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nguy cơ về an ninh lương thực cũng là vấn đề lớn đặt ra cho hai cường quốc châu Á này. Tại Ấn Độ, hiện có hơn 40% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu cân và suy dinh dưỡng, nạn đói sẽ ngày càng trầm trọng và số trẻ em tử vong cũng ngày một tăng. Trong khi đó, Trung Quốc – đất nước vốn đã phải vật lộn nhằm kiềm chế lạm phát giá lương thực, cũng có thể để xảy ra tình trạng bất ổn xã hội nếu nguồn cung thực phẩm trở nên căng thẳng.
Nhưng oái ăm thay, hai quốc gia tiềm năng này lại đang là những nước xây dựng nhiều nhất các nhà máy nhiệt điện chạy than – hoạt động vốn góp phần làm gia tăng lượng lớn khí thải các-bon, một trong những thủ phạm gây nên hiện tượng ấm lên toàn cầu, làm tan băng và kéo theo hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng.
Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì cố công phát triển nhiệt điện như hiện nay, Trung Quốc và Ấn Độ cần tập trung và chuyển sang đầu tư hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo khác như phong điện, năng lượng mặt trời hay năng lượng địa nhiệt nhằm kìm hãm sự tan chảy của các dòng sông băng trên toàn cầu.