ThienNhien.Net – Hiện nay người dân ở Đắk Lắk đang phá rừng ồ ạt để tăng diện tích sắn khiến cho diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp. Chỉ riêng trong vụ hè thu này, tuy mới giữa vụ mà các địa phương trong tỉnh đã trồng mới gần 24.000 ha sắn, đạt gần 100% kế hoạch diện tích cả vụ. Tại các huyện Ea Kar, Ea Súp, Krông Bông…, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc đã phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép để mở rộng diện tích sắn lên gấp hai, ba lần so với diện tích trồng sắn theo kế hoạch.
Hai năm trở lại đây, giá sắn tươi, sắn lát khô tăng lên khá cao nên thu hút ngày càng nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc đầu tư mở rộng diện tích trồng sắn. Điều đáng nói là nhiều địa phương đã buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng, để mặc đồng bào lấn chiếm đất rừng để trồng sắn.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Ea Súp: hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều hộ gia đình từ các tỉnh miền Đông, miền TâyNambộ như Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương… lên thuê đất rừng (bất hợp pháp) để trồng sắn. Gia đình ông Huỳnh Hên ở Tây Ninh đã đến thôn 5, xã Ia R’Vê thuê 50 ha đất rừng (đất chưa chuyển đổi mục đích) để vụ hè thu này trồng sắn.
Cũng theo Phòng Nông nghiệp huyện Ea Súp: vụ hè thu này, huyện chỉ có kế hoạch trồng 1.500 ha sắn, nhưng nay diện tích sắn đã tăng lên trên 3.200 ha, trong đó có hàng trăm ha là diện tích đất rừng bị lấn chiếm trái phép để trồng sắn…
Còn ở huyện Krông Bông, nơi có nhà máy chế biến tinh bột sắn, đồng bào các dân tộc di cư ngoài kế hoạch cũng đổ xô vào sâutrong rừng, tự khoanh vùng, ngang nhiên chặt phá cây, lấn chiếm đất rừng trái phép để trồng sắn. Tại tiểu khu 1176, hàng chục ha rừng đã bị đồng bào di cư đến chặt phá chuyển sang trồng sắn. Ngay tại xã vùng sâu Cư Drăm, đến nay, đồng bào đã trồng được gần 620 ha sắn vụ hè thu, tăng gần gấp đôi diện tích so với kế hoạch, trong đó, chủ yếu là sử dụng đất rừng trái phép để trồng sắn.
Để bảo vệ tài nguyên rừng , tỉnh Đắk Lắk cần sớm có biện pháp ngăn chặn tình trạng nêu trên.