ThienNhien.Net – Khủng hoảng tài chính đã khiến những khoản đầu tư thương mại vào các loại hình năng lượng bền vững phần nào trầm lắng, song nguồn hỗ trợ từ các ngân hàng phát triển đa phương cho loại năng lượng này lại đang trên đà tăng trưởng. Tuy nhiên, dù đã gia tăng đáng kể nhưng tính đến năm 2009, nguồn đầu tư ấy mới chiếm gần 1/8 tổng mức đầu tư toàn cầu cho năng lượng bền vững, trong khi muốn đạt mục tiêu duy trì sự tăng nhiệt độ Trái đất ở mức 20C thì ước tính nguồn đầu tư này còn phải vượt xa con số trên.
Mặc dù còn hạn chế, song nguồn hỗ trợ từ các ngân hàng đa phương là vô cùng cần thiết trong việc thúc đẩy các nước đang phát triển chuyển sang nền năng lượng bền vững, vì các khoản tài chính đó không chỉ hỗ trợ kỹ thuật, cho vay ưu đãi mà còn bảo đảm giảm nhẹ rủi ro liên quan tới công nghệ năng lượng tái tạo.
Đồng thời, các ngân hàng đa phương cũng thể hiện rõ vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng những điều kiện thuận lợi giúp các nhà đầu tư và các nhà tài chính thương mại lên kế hoạch đầu tư vào khu vực này.
Ngay từ thời điểm tháng 11/2010, Trung tâm Tài chính Năng lượng Mới Bloomberg đã công bố nghiên cứu về vai trò ngày càng lớn của các ngân hàng phát triển đa phương đối với việc cung cấp vốn cho các dự án năng lượng bền vững. Theo đó thì trong vòng 2 năm 2008 – 2009, lượng vốn mà các ngân hàng đa phương cho vay đã tăng gấp hơn 3 lần so với trước (đạt 21,1 tỷ USD), riêng năm 2009 đã chiếm gần 1/8 trong số 162 tỷ USD đầu tư toàn cầu cho năng lượng bền vững.
Hầu hết các ngân hàng đa phương đều tiến hành hợp nhất công nghệ năng lượng sạch và sử dụng năng lượng hiệu quả vào tài liệu khung về năng lượng cũng như danh mục cho vay của họ. Đặc biệt, Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) đã có dự thảo đầu tiên về Chiến lược Năng lượng, hướng mục tiêu đến năm 2015 sẽ tăng nguồn đầu tư, đóng góp vào các dự án năng lượng sạch lên tới 67 – 75%.
Những ngọn cờ tiên phong
Có nhiều khởi sắc nhất trong hoạt động đầu tư cho khu vực năng lượng bền vững suốt 2 năm 2008 – 2009 phải kể tới Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB), Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Đa số các ngân hàng đều nỗ lực thiết lập những mục tiêu mới hoặc sửa đổi những mục tiêu hiện có một cách hợp lý để hỗ trợ các hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng trong những năm sắp tới.
Điển hình là trường hợp Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB). Vài năm trở lại đây, EIB đã tăng đáng kể các khoản cho vay tập trung vào cả lĩnh vực năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng. Phần lớn đối tượng của các khoản đầu tư này là các nước thành viên EU. Ngoài ra, EIB còn cung cấp hỗ trợ tài chính cho hoạt động thực thi các mục tiêu chính sách năng lượng và khí hậu mà ngân hàng này đang theo đuổi. Năm 2013, chương trình Năng lượng bền vững của ngân hàng dự tính nâng gói hỗ trợ cho các nước ngoài EU lên 4,3 – 6,5 tỷ USD.
Về phần mình, Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB) dự định tăng gấp đôi năng lực cung cấp các khoản đầu tư cho năng lượng sạch và bền vững (từ 1,5 tỷ USD lên 3 tỷ USD năm 2012), chiếm 1/4 danh mục cho vay của ngân hàng.
Việc tăng mục tiêu đầu tư cho sử dụng năng lượng hiệu quả và năng lượng sạch từ 1 tỷ USD lên 2 tỷ USD vào năm 2013 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng xuất phát từ sự gia tăng nhu cầu của các nước thành viên. Đáng chú ý, hiện nay, ADB ngày càng hỗ trợ nhiều cho hoạt động củng cố cơ sở hạ tầng năng lượng vùng đô thị, hệ thống đường truyền tải chuyên dụng phục vụ điện năng tái tạo ở Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.
Nhóm Ngân hàng Thế giới cũng cho biết năm 2010 đã tăng 62% thỏa thuận đầu tư vào công nghệ các-bon thấp so với năm 2009. Chiến lược năng lượng mới của ngân hàng này hiện đang được xem xét để thông qua trong thời gian tới.