ThienNhien.Net – Cắt rừng đặc dụng làm thủy điện – vấn đề đang nóng ở Vườn quốc gia Cát Tiên, nhưng cũng là câu chuyện cần nhìn nhận rộng hơn trên phạm vi cả nước. Những ngày này, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đang trong giai đoạn hoàn tất báo cáo nghiên cứu ”Phát triển thủy điện và hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam”. Nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ đặt cơ sở ban đầu cho việc nhận diện, đánh giá, giám sát các rủi ro và cơ hội đối với các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao hiệu quả quản lý các khu rừng đặc dụng trong bối cảnh chịu sức ép lớn do nhu cầu phát triển năng lượng thủy điện ở Việt Nam. Dưới đây là một số thông tin chia sẻ từ nghiên cứu này.
Thủy điện đang lấn rừng đặc dụng
Kết quả khảo sát thông tin và phỏng vấn của nhóm nghiên cứu đối với các Ban quản lý rừng đặc dụng cho thấy có tới 47 khu rừng đặc dụng đã hoặc có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thủy điện, với khoảng 119 dự án thủy điện lớn, nhỏ được quy hoạch trong hoặc xung quanh các rừng đặc dụng này.
Tại các khu rừng đặc dụng có dự án thủy điện, mật độ phân bố dự án thủy điện khá cao. Tính trung bình, mỗi vườn quốc gia, khu bảo tồn phải “cõng” khoảng 2,5 dự án thủy điện, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (gần 51%).
Hệ thống sông Đồng Nai, với tiềm năng phát triển thủy điện được đánh giá là lớn nhất miền Nam, đã được quy họach dày đặc các công trình thủy điện. Con sông có nguy cơ bị chặt khúc, biến thành chuỗi liên hoàn các hồ chứa nối tiếp nhau. Chỉ riêng khu vực trong và xung quanh VQG Cát Tiên cũng đã có tới 6 dự án nằm trong quy hoạch và sắp được triển khai.
VQG Cát Tiên không phải trường hợp duy nhất đang chịu sức ép lớn về thủy điện. Tình trạng mật độ thủy điện cắm dày đặc và gây áp lực lên công tác bảo tồn đa dạng sinh học cũng xảy ra tại một loạt các vườn quốc gia, khu bảo tồn khác, từ Bắc vào Nam. Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (Quảng Nam) và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Nghệ An), dẫn đầu về số lượng thủy điện với 7 công trình có trong quy hoạch.
VQG/KBT | Số công trình thủy điện trong quy hoạch |
Khu BTTN Pù Hoạt | 7 |
Khu BTTN Sông Thanh | 7 |
Khu BTTN Sốp Cộp | 6 |
VQG Cát Tiên | 6 |
Khu BTTN Kon Chư Răng | 5 |
VQG Chư Mom Ray | 5 |
VQG Bù Gia Mập | 5 |
VQG Hoàng Liên | 5 |
KBT Loài & Sinh cảnh Mù Căng Chải | 5 |
Quá trình thu thập thông tin của nghiên cứu thông qua tham vấn cho thấy, một số Ban quản lý rừng đặc dụng không nắm được chính xác diện tích rừng bị mất cũng như không có các tài liệu liên quan đến các dự án thủy điện đã và sẽ xây dựng trong phạm bi quản lý của mình. Mặc dù vậy, trong phạm vi số liệu thu được, kết quả phân tích cho biết với mỗi MW điện, các vườn quốc gia, khu bảo tồn sẽ mất đi trung bình 62,63 ha đất rừng.
Diện tích rừng đặc dụng bị chặt hạ để nhường chỗ cho các công trình xây dựng, chưa kể diện tích bị ngập dưới lòng hồ, trung bình khoảng 2,35 ha/1 MW điện. Nhìn vào con số trung bình có thể thấy không cao, nhưng xét vào một số trường hợp cụ thể sẽ thấy thiệt hại về rừng do thủy điện không hề nhỏ. Trường hợp của thủy điện Buôn Tua Srah (Đắk Lắk), để có được công suất thủy điện 86 MW, dự kiến sẽ phải hy sinh 1000 ha rừng thường xanh thuộc vòng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ca, nghĩa là tỷ lệ đánh đổi lên đến 11,6 ha rừng đặc dụng cho 1 MW thủy điện.
Điều cần nhấn mạnh là các diện tích rừng nói trên chủ yếu đều thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái trước khi có quyết định chuyển đổi.
Những phân tích về bất hợp lý trong quy hoạch thủy điện
Vấn đề quy hoạch thủy điện được nhóm nghiên cứu phân tích sâu, trong đó chỉ rõ nhược điểm lớn nhất hiện nay là Quy hoạch thủy điện mang tính đơn ngành, từ trên xuống, theo tiềm năng và còn rời rạc.
Với nhận xét của lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Lào Cai, “quy hoạch thủy điện được xây dựng dựa chủ yếu trên tiềm năng của từng địa phương mà chưa chú ý tới các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường liên quan khác…”, nhóm nghiên cứu cho biết đánh giá này cũng đúng với tình hình chung của tất cả các địa phương có thủy điện ở Việt Nam. Điều này đã dẫn tới hiện tượng “loạn thủy điện” tại một số tỉnh như: Lào Cai 110 dự án thủy điện vừa và nhỏ (riêng Sa Pa có tới 19 thủy điện, trong đó xã Bản Hồ có 3 dự án), Quảng nam 61 dự án, Kon Tum 68 dự án, Gia Lai 78 dự án, Lâm Đồng 71 dự án…
Xét theo đúng quy trình lập quy hoạch thì quy hoạch tổng thể phát triển KTXH và quy hoạch sử dụng đất phải được thống nhất trước, sau đó quy hoạch các ngành cụ thể, trong đó có quy hoạch thủy điện mới được phát triển, lấy đó làm cơ sở. Bên cạnh đó, với thủy điện là một ngành thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng, quy hoạch phải mang tính ổn định lâu dài và có tính ràng buộc cao.
Tuy nhiên, có một nghịch lý đang diễn ra trên thực tế, quy hoạch thủy điện mang tính “mở và không ổn định”. Việc cho phép rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy điện đã góp phần phá vỡ quy hoạch tổng thể và quy hoạch các ngành khác, đặc biệt là lĩnh vực đất đai và rừng.
Nghiên cứu cũng cho thấy để đáp ứng tốc độ tăng trưởng, mục tiêu phát triển thủy điện ngay từ khi đề ra đã ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình, kế hoạch và chiến lược về lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học.
Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) thực hiện đánh giá môi trường cho Quy hoạch điện VI năm 2009 nhận định rằng rủi ro tới đa dạng sinh học là rất trầm trọng vì các đập thủy điện đều nằm gần các vùng đa dạng sinh học cao và nhạy cảm. Nhiều khu rừng đặc dụng được xác định có mức độ rủi ro cao về đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài nguy cấp và có tầm quan trọng toàn cầu như hổ, voi (Quảng Nam), Tê giác, bò tót (Cát Tiên), sao la (Huế, Hà Tĩnh) v.v.
Theo đánh giá môi trường chiến lược cho Quy hoạch điện VII, chỉ tính riêng diện tích rừng bị mất do xây dựng đường truyền tải điện đã lên tới 14.000 ha, các hệ sinh thái ở 39 khu vực có đa dạng sinh học cao và 59 khu vực bảo tồn có nguy cơ bị phá vỡ và bị chia cắt hệ sinh thái.
Chưa kể rằng, việc đề cập đến tác động của các công trình thủy điện về môi trường và đa dạng sinh học còn rất mờ nhạt, bị xé lẻ và nhìn nhận một cách phiến diện.
Một trong những khuyến nghị của nhóm nghiên cứu đối với mục tiêu phát triển thủy điện hài hòa với bảo tồn đa dạng sinh học bền vững là cần cải thiện quy trình ra quyết định, bằng cách tăng cường sự phối kết hợp giữa các bên liên quan, cũng như nâng cao chất lượng trong sự tham gia của các bên liên quan.
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức về vai trò của đa dạng sinh học, năng lực quản lý bảo tồn, nâng cao chất lượng thực hiện các đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược song hành với việc lập quy hoạch. Nhóm cũng đã đề xuất một loạt các vấn đề còn bỏ ngỏ cần được đánh giá sâu hơn.
Hy vọng rằng bản báo cáo”Phát triển thủy điện và hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam” sẽ được sớm công bố trong thời gian tới, góp thêm một tài liệu tham khảo bổ ích cho các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách.