ThienNhien.Net – Cộng đồng ven biển là một trong những nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, vì thế việc xây dựng các biện pháp thích ứng nhằm làm giảm tính dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu và phục hồi các hệ sinh kế cho vùng đất này là điều vô cùng quan trọng.
Đây cũng chính là mục tiêu mà Dự án Đói nghèo và Môi trường đặt ra và hướng tới trong nghiên cứu “Xây dựng khả năng phục hồi: Các chiến lược thích ứng cho sinh kế ven biển chịu nhiều rủi ro nhất do tác động của biến đổi khí hậu ở miền Trung Việt Nam” – do Bộ TN&MT thực hiện, dưới sự tài trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Nghiên cứu được thực hiện tại một số xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế, với sự tham gia của đại diện các hộ gia đình, đại diện các tổ chức quần chúng, các cơ quan chức năng địa phương, và các chuyên gia kỹ thuật. Nguồn sinh kế của các địa phương chủ yếu là canh tác, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt cá, do đó các chiến lược thích ứng cũng được xác định và tiếp cận theo từng lĩnh vực.
Cụ thể, trong nông nghiệp, chiến lược thích ứng đòi hỏi sự thay đổi trong quản lí và các kỹ thuật canh tác để giảm các rủi ro mất mùa, đồng thời bổ sung các giống mới có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu. Đối với đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản, cần chú ý các qui định bắt buộc xử lí nước thải nhằm tránh tình trạng phát sinh dịch bệnh tràn lan, gây thiệt hại lớn.
Ngoài ra, cũng cần hướng dẫn các hộ dân cách tiếp cận tín dụng, bảo hiểm và các dịch vụ tài chính khác một cách hiệu quả hơn, đặc biệt cần thiết lập mô hình “các xã liên kết” để trao đổi thông tin và các bài học kinh nghiệm giữa các xã chịu tác động của biến đổi khí hậu tương tự…