Đã tiến rồi chớ nên thụt lùi

ThienNhien.Net – So với hai Nghị Quyết trước cùng quyết nghị về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Nghị quyết số  49/2010/QH12 được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XII đã có những bổ sung quan trọng về các tiêu chí sử dụng đất rừng, nâng cao hiệu quả giám sát, can thiệp các dự án lớn có liên quan đến việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.

Ảnh minh họa, một công trình thủy điện ở Tây Nguyên (Nguồn: ThienNhien.Net)

Giở lại Nghị quyết số 05/1997/QH10 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/1997 tại kỳ họp thứ 2, quốc hội khóa, là nghị quyết đầu tiên đề ra các tiêu chí xác định các công trình quan trọng quốc gia cần phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, có thể thấy các tiêu chí liên quan đến môi trường còn khá mơ hồ và chung chung, rằng đó là “công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc có ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường“. Như thế nào là “ảnh hưởng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng” – khái niệm này chưa được làm rõ.

Sau gần một thập kỷ với nhiều thay đổi về xã hội, nền kinh tế được mở rộng đáng kể, kéo theo đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều công trình, dự án lớn, có tiềm năng tác động mạnh mẽ đến môi trường hơn, Nghị quyết 66/2006/QH11 đã được ban hành thay thế (tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI) nhằm đáp ứng bối cảnh mới.

Theo đó, các chỉ tiêu về môi trường đã được cụ thể hóa bằng việc bổ sung lĩnh vực điện hạt nhân, đồng thời đề ra các tiêu chí rõ ràng về diện tích chuyển đổi ba loại rừng đặc dụng – phòng hộ – sản xuất.  Việc xác định rõ ràng diện tích rừng lần này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình giám sát và ra các quyết định quan trọng của quốc hội đối với các dự án, công trình lớn liên quan đến rừng và môi trường.

Theo Nghị quyết 66/2006/QH11, dự án, công trình quan trọng quốc gia có một trong năm tiêu chí, trong đó tiêu chí về môi trường được quy định tại Điều 2, Khoản 2: “Dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:a) Nhà máy điện hạt nhân;b) Dự án đầu tư sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ hai trăm ha trở lên; đất rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ năm trăm ha trở lên; đất rừng đặc dụng từ hai trăm ha trở lên, trừ đất rừng là vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; đất rừng sản xuất từ một nghìn ha trở lên.”

 

Sau khi Nghị quyết 66 ra đời, một số dự án “nhăm nhe” xâm phạm rừng, cho dù đã có những biểu hiện lách luật, nhưng dưới áp lực dư luận, đã bị rà soát và đình chỉ. Điều đáng lưu ý là trong Nghị quyết 66 quy định rõ “loại trừ đất rừng là vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên“, nghĩa là những khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao (như VQG Cúc Phương, Tam Đảo, Cát Tiên….) được bảo vệ toàn vẹn, các dự án không được phép xâm phạm “dù chỉ 1 héc ta” – như lời đại biểu quốc hội Ngô Minh Hồng (TP.HCM).

Rừng ngày càng quan trọng – Không nên nới lỏng chỉ tiêu sử dụng đất rừng

Tại kỳ họp thứ 7 quốc hội khóa XII diễn ra vào tháng 5-6 năm 2010, Bản dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 66 được trưng cầu ý kiến các đại biểu quốc hội. Nhiều ý kiến tỏ ý lo ngại trước thực trạng các dự án lợi dụng đầu tư xâm hại rừng, đề nghị xem xét lại tiêu chí sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Việc không loại trừ đất rừng là “vườn quốc gia, khu bảo tồn” trong bản dự thảo đã nới lỏng tiêu chí về môi trường, và như đại biểu Ngô Minh Hồng của Tp.HCM đánh giá: Ở một mức độ nào đó thì dự thảo có bước lùi so với Nghị quyết 66.

Ông Nguyễn Đình Xuân, đại biểu Quốc hội của tỉnh Tây Ninh trong một phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại hội trường, cũng đã tỏ ra bức xúc khi nhận xét về dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để hợp thức hóa việc khai thác Vonfram tại VQG Chư Mom Ray: “Dự án Vonfram này đã lấy mất 1.600 ha rừng đặc dụng và theo như Nghị quyết 66 của Quốc hội về công trình quan trọng quốc gia thì rừng đặc dụng, vườn quốc gia là không được chuyển đổi và nếu chuyển đổi là phải xin phép Quốc hội. Nhưng ở đây đã có một thao tác và thao tác này tương tự như dự án du lịch ở Phú Quốc và nhiều án khác, tức là Bộ trưởng đã bật đèn xanh cho địa phương chuyển đổi rừng đặc dụng sang rừng sản xuất và sau đó thì cứ tha hồ chặt mà ngay cả rừng sản xuất trên 1 nghìn ha theo Nghị quyết 66 đang có hiệu lực thì vẫn phải chuyển đổi, vẫn phải xin Quốc hội, nhưng người ta đã bằng cách này, cách khác chuyển đổi rất nhiều lên tới hàng trăm nghìn ha mà không hề xin Quốc hội thì việc làm này là vi phạm nghiêm trọng”

Tại kỳ họp này, Nghị Quyết 49/2010/QH12 đã ra đời thay thế Nghị quyết 66/2006/QH11, với tiêu chí liên quan đến sử dụng đất rừng được xác định tại Khoản 2b, Điều 3: Dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 hécta (ha) trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 hécta (ha) trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 hécta (ha) trở lên; rừng sản xuất từ 1000 hécta (ha) trở lên.

 

Có thể nhận xét rằng diện tích sử dụng đất rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đầu nguồn trong các dự án quan trọng do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư nhìn chung có chặt chẽ hơn so với trước, nhưng những vùng giá trị đa dạng sinh học cao nhất đã không còn được ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu xác định và kiến nghị các nội dung của Nghị quyết số 49, báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ trong tháng 7 năm 2011. Tại Công văn số 3711/BKHĐT-GSTĐĐ gửi các Bộ ngành liên quan, có đoạn đánh giá của Bộ về tiêu chí sử dụng đất rừng, tại mục b khoản 2 Điều 3 cho rằng nếu nhiều dự án thuộc tiêu chí sử dụng đất rừng phải trình ra Quốc hội mà thực tế dự án không phức tạp sẽ ảnh hưởng đến chương trình làm việc của Quốc hội, và ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư, đồng thời Bộ này đề xuất “nghiên cứu thêm về tính hợp lý của tiêu chí này” và “quy trình xem xét của Quốc hội đối với những dự án này“, có thể kiến nghị Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.

Đối với nhiều quan tâm đến lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, có thể nói rằng họ không thể không quan ngại, lo lắng trước tình trạng suy giảm nhanh chóng giá trị đa dạng sinh học, ngày càng nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn, trong đó có cả những khu bảo tồn đã được quốc tế công nhận, đang bị “xà xẻo” phục vụ các dự án phát triển kinh tế, trong đó có một phần không nhỏ của thủy điện. Vì vậy, khi xem xét, điều chỉnh Nghị quyết đối với các công trình quan trọng quốc gia có sử dụng đất rừng, cần thắt chặt, thay vì nới lỏng ra dẫn đến việc thiếu kiểm soát các dự án.

Đại biểu Quốc hội Hà Sơn Nhin, tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Việc xây dựng các công trình thủy điện, nhất là thủy điện lớn đã làm giảm diện tích sản xuất nông nghiệp, đất rừng, mất rừng…Diện tích rừng bị mất, nhất là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ là một trong những nguyên nhân làm thay đổi hệ sinh thái, dẫn tới khô hạn, cạn kiệt nguồn nước, làm tăng nguy cơ lũ lụt. Đề nghị Chính phủ cần có sự rà soát cụ thể các công trình thủy điện, xem xét trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay và yêu cầu phát triển bền vững thì sản xuất năng lượng, bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ môi trường là các giá trị cần được giải quyết hài hòa, cân đối theo hướng lâu bền”.

Cho đến nay, nhiều dự án đầu tư đã bị báo chí vạch sai sót trong quy trình thực hiện, lẽ ra phải qua thủ tục trình Quốc hội. Mặc dù vậy, dư luận báo chí và công chúng là chưa đủ. Việc giám sát tuân thủ Nghị quyết mà Quốc hội – cơ quan đại diện cao nhất của người dân, đảm bảo các dự án có nguy cơ xâm hại cao được xem xét và loại bỏ trước khi triển khai là vô cùng cần thiết. Đó là bước đi vững chắc để chúng ta không đánh đổi lợi ích lâu dài vì mục tiêu trước mắt một cách hoài phí.