ThienNhien.Net – Rừng phòng hộ ven biển tựa như tấm thảm giúp chống gió hạn, chắn cát bay, ngăn chặn sự xâm nhập mặn, chống sạt lở, hạn chế bão lũ…, nhưng tấm thảm này hiện đang bị thu hẹp bởi chính những tác động từ phía con người, đặc biệt là việc tập trung phát triển hàng loạt các dự án, dịch vụ du lịch. Sự lấn sân của các dự án không chỉ gắn liền với sự mất mát phần diện tích đất ven biển mà còn lấy đi hàng chục, hàng trăm ha rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, gây bao hệ lụy khôn lường. Đất ngày càng bị xói mòn, lũ ngày càng dữ, bão ngày càng mạnh và thiệt hại ngày càng nhiều.
Bão lũ hoành hành
Tuy UBND tỉnh Nghệ An chưa có quyết định chính thức nhưng cái tin Bộ NN&PTNT vừa có chỉ đạo về việc chuyển mục đích sử dụng 12,63 ha rừng phòng hộ tại địa phương này sang xây khu du lịch cao cấp Dầu khí Cửa Lò đang khiến dư luận đặt câu hỏi. Câu hỏi không nằm ở những lợi ích mà dự án đó có thể mang lại, mà nảy sinh khi dự án này lấy mất gần 13 ha rừng phòng hộ tại Nghệ An – một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tổng diện tích bị lấy đi lần này tuy không nhiều nhưng tiềm ẩn nguy cơ vô cùng lớn cho vùng đất vốn đang suy giảm phần diện tích rừng phòng hộ ven biển. Càng đáng ngại hơn khi nơi đây gần một năm trở về trước và trong rất nhiều năm trước đó đã từng bị càn quét dữ dội bởi các cơn bão dữ, gây bao thiệt hại về người và tài sản nhân dân.
Đáng chú ý là cơn bão số 3 tàn khốc xảy ra vào tháng 8 năm 2010 vừa qua khiến Nghệ An và hầu hết các tỉnh ven biển miền Trung đều bị thiệt hại nặng nề. Bên cạnh số người chết và bị thương lên tới gần 50 người, bão còn khiến hàng chục xã của Nghệ An bị ngập; hàng trăm nhà bị đổ; hơn 31.500 nhà bị tốc mái; 32 thuyền bị đắm; hơn 36.000 ha lúa bị ngập; gần 19.000 ha hoa màu mất trắng; 2.852 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị ngập; sạt lở 206.636 m3 đê điều, hồ đập, thuỷ lợi và 168.943 m3 đường giao thông; 7.771 cột điện cao thế, hạ thế bị đổ gãy; 234.190 m dây diện và điện thoại bị đứt hỏng… Tổng thiệt hại ước tính hơn 900 tỷ đồng. Nếu tính cả đợt lũ xảy ra vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm ngoái thì riêng Nghệ An đã thiệt hại trên 1.500 tỷ đồng.
Mặc dù theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, chủ dự án khu du lịch cao cấp Dầu khí Cửa Lò sẽ phải trồng mới rừng trên phần diện tích đã được chuyển đổi mục đích sử dụng, song nhiều ý kiến e ngại điều này khó có thể được thực thi bởi một khi dự án đã hoàn tất thì việc “hoàn rừng” cũng trở nên bê trễ. Đó là chưa kể đến việc để có được những cánh rừng phòng hộ ven biển như hiện tại, chủ đầu tư phải mất khoảng thời gian trồng, chăm sóc và bảo vệ ít nhất từ 10 – 20 năm. E rằng khoảng thời gian đó quá dài đối với nhiều nhà đầu tư – những người luôn đặt lợi nhuận lên trên mọi lợi ích.
Đất đai xói mòn và nguy cơ sa mạc hóa
Theo tài liệu “Điều tra, đánh giá sự thay đổi diện tích rừng phòng hộ và rừng ngập mặn ảnh hưởng đến xói lở và biến đổi khí hậu các huyện ven biển tỉnh Nghệ An” của Sở TN&MT Nghệ An công bố năm 2008, tổng diện tích đất rừng ven biển của tỉnh này là 7.241ha trên tổng số 29.240,6ha diện tích đất ven biển, nhưng mới chỉ có 1.738ha đất có rừng. Điều đáng ngại là tình trạng phát triển, xây dựng các khách sạn, nhà nghỉ, khu nuôi tôm, trồng cây nông nghiệp, khu du lịch ven biển… khiến diện tích đất rừng phòng hộ ven biển và rừng ngập mặn của Nghệ An giảm từ 7.268,38ha năm 1990 xuống còn 6.791,5ha vào năm 2008.
Rừng ven biển mất đến đâu kéo theo hậu quả xói lở bờ đến đó. Trong số 45 xã ven biển có 19 xã bị xói lở, tổng chiều dài các đoạn xói lở là 19.290m. Với tốc độ xói lở trung bình 42m, mỗi năm Nghệ An mất gần 100ha đất ven biển. Nhiều đoạn xói lở đã vào sát khu dân cư như Sơn Hải, Quỳnh Long; một số đoạn như Quỳnh Bảng, Quỳnh Ngọc với tốc độ xói lở từ 150 –200m/năm.
Không chỉ đứng trước nguy cơ xói mòn đất, sự suy giảm diện tích rừng phòng hộ ven biển còn làm tăng nguy cơ sa mạc hóa khu vực đất canh tác bên trong rừng phòng hộ.
Thực tế này đòi hỏi phải có sự dung hòa hợp lý giữa yêu cầu phát triển với việc ưu tiên giữ lại những cánh rừng phòng hộ ở Nghệ An nói riêng và các tỉnh, thành ven biển nói chung. Đặc biệt, các địa phương cần hạn chế việc xây dựng, phát triển và mở rộng các dự án du lịch làm ảnh hưởng đến rừng, xử lý nghiêm các vụ vi phạm chặt phá, lấn chiếm rừng.