Phát hiện 1.060 loài mới ở New Guinea

ThienNhien.net – Sau 10 năm (1998 – 2008) khảo sát trên đảo New Guinea, các nhà khoa học đã khám phá ra tổng cộng 1.060 loài mới, trong đó có 218 loài thực vật (riêng phong lan có tới gần 100 loài), 43 loài bò sát, 12 loài động vật có vú, 580 loài không xương sống, 134 loài lưỡng cư, 2 loài chim và 71 loài cá mới.

Điều đáng ghi nhận là cuộc đại khảo sát kéo dài 10 năm này đã giúp giới nghiên cứu, bảo tồn phát hiện loài phong lan Dendrobium spectabile, cá cầu vồng Allen (Chilatherina alleni), cá heo Orcaella heinsohni vô cùng độc đáo từng được xác định là loài mới ở Australia và loài cá mập sông dài 2,5m cực kỳ hiếm thấy.

Phong Lan Dendrobium spectabile được tìm thấy ở Papua New Guinea là một trong những minh chứng tiêu biểu cho tính đa dạng của loài thực vật ấn tượng này trên hòn đảo New Guinea (Ảnh: Wayne Harris/WWF)

Mặc dù hòn đảo huyền bí này chỉ chiếm chưa đầy 0,5% diện tích Trái đất nhưng đây lại là nơi cư trú của 6 – 8% số loài trên thế giới với hơn 2/3 trên tổng số là loài đặc hữu, không xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác ngoài New Guinea. Đồng thời, đây còn là đảo nhiệt đới rộng lớn nhất hành tinh, nơi có vùng rừng mưa lớn thứ ba thế giới (chỉ sau Amazon và Congo) và cũng là quê hương của những dòng sông và vùng đất ngập nước nguyên sơ nhất châu Á.

“Quả thực, nếu nhìn New Guinea dưới góc độ đa dạng sinh học thì nó giống một lục địa hơn là một hòn đảo. Trong giai đoạn 1998 – 2008, trung bình cứ mỗi tuần, các nhà khoa học lại khám phá ra 2 loài mới” – Tiến sĩ Neil Stronach, Đại diện Chương trình WWF Tây Melanesia, cho biết.

Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo rằng sự phát triển không bền vững và quy hoạch yếu kém – nhất là việc chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp và khai thác gỗ quá mức – đang đặt nhiều loài sinh vật quý hiếm của New Guinea trước những rủi ro lớn.

Tiến sĩ Eric Verheij, Giám đốc Bảo tồn WWF Tây Melanesia cũng lên tiếng cảnh báo về tỷ lệ mất rừng ở New Guinea do các hoạt động khai thác gỗ, khai mỏ, buôn bán động, thực vật hoang dã và quá trình chuyển đổi đất rừng sang nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất dầu cọ.

Chỉ tính riêng phần diện tích đảo New Guinea thuộc chủ quyền Papua New Guinea, từ năm 1972 – 2002, đã bị mất hoặc suy thoái 24% diện tích rừng mưa vì khai thác gỗ và sản xuất nông nghiệp. Ước tính hàng năm, tỷ lệ mất rừng do khai thác gỗ phục vụ công nghiệp lên tới 3,4%, với khách hàng chính của mặt hàng gỗ xuất khẩu là Trung Quốc. Thêm vào đó, nhu cầu về cọ dầu cũng đang phá hủy nhiều cánh rừng mưa giàu có tại New Guinea.

Và để đảm bảo sự sống còn của các loài và môi trường sống tự nhiên trên hòn đảo này, theo Tiến sĩ Susanne Schmitt, Quản lý Chương trình New Guinea thuộc WWF, thì “phát triển kinh tế nhất định phải đi đôi với bảo vệ môi trường”.