ThienNhien.Net – Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất tăng vốn điều lệ của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam do ngân sách nhà nước cấp từ 500 tỷ đồng hiện nay lên 1.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2013 và đến năm 2018 đạt 3.000 tỷ đồng.
Đây là một trong những nội dung tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo, thay thế Quyết định số 35/2008/QĐ-TTg ngày 3/3/2008.
Dự thảo nêu, vốn điều lệ giai đoạn 2011 – 2013 của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam do ngân sách nhà nước cấp là 1.000 tỷ đồng; đến năm 2018 đạt 3.000 tỷ đồng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường lý giải, việc đề xuất tăng vốn điều lệ như trên xuất phát từ yêu cầu thực tế hoạt động của Quỹ Bảo vệ Môi trường, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu đầu tư vốn bảo vệ môi trường tại các khu vực trọng điểm về ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, các dự án đầu tư bảo vệ môi trường đang được đẩy mạnh và tập trung xây dựng tại các khu vực tập trung dân cư, có nhiều khu công nghiệp như lưu vực sông Đồng Nai, lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy và một số tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp cao như Thái Nguyên, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… Điều này cũng cho thấy nhu cầu đầu tư dự án bảo vệ môi trường đang tăng lên nhanh chóng.
Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng vốn điều lệ của Quỹ được quy định là 500 tỷ đồng như hiện nay là thấp, không thể đáp ứng được nhu cầu các dự án đầu tư bảo vệ môi trường.
Chưa kể, việc thu hút các nguồn vốn khác từ bên ngoài không ổn định và rất khó khăn với lý do huy động trong nước không thực hiện được do lãi suất cho vay của Quỹ là lãi suất ưu đãi, về huy động vốn ngoài nước thì quy mô, kết quả hoạt động của Quỹ chưa đủ lớn để thu hút sự chú ý của các tổ chức và cá nhân trong, ngoài nước…
Do vậy, việc tăng vốn điều lệ của Quỹ Bảo vệ môi trường là cấp thiết.
Thêm nguồn vốn bổ sung hàng năm
Theo Quyết định 35/2008/QĐ-TTg trước đây, vốn hoạt động bổ sung hàng năm chỉ được huy động từ các nguồn như: Các khoản bồi thường thiệt hại về môi trường thu vào ngân sách nhà nước; tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; lệ phí bán chứng chỉ giảm phát thải được chứng nhận (CERs); các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp, ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước…
Ngoài các nguồn nói trên, dự thảo cũng đề xuất bổ sung nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước chi sự nghiệp môi trường cấp bù kinh phí tài trợ cho các dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường đã thực hiện hàng năm và bổ sung vốn hoạt động cho Quỹ; nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác để thực hiện các chương trình, mục tiêu và dự án bảo vệ môi trường do Nhà nước giao.