ThienNhien.Net – Chưa bao giờ hàng ngàn hộ dân sinh sống ven sông Lô đoạn qua các xã Đông Thọ, Vân Sơn, Hồng Lạc, Sầm Dương, Lâm Xuyên (huyện Sơn Dương – Tuyên Quang) lại lo lắng như mùa mưa bão năm nay. Tất cả chỉ vì con đê che chắn cho họ bao năm qua đang xuống cấp trong khi trên thân đê thì xe tải trọng lớn thường xuyên hoạt động, còn dưới thân đê tàu khai thác cát, sỏi gây sạt lở nghiêm trọng nhiều điểm.
Khai thác cát sỏi trên sông Lô gây sạt lở nghiêm trọng
Sông Lô là phụ lưu tả ngạn của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào Việt Nam tại xã Thanh Thuỷ (Vị Xuyên – Hà Giang), điểm cuối là ngã ba Hạc, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), nơi sông Lô hợp lưu với sông Hồng. Đoạn từ ngã ba Việt Trì đến cảng Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, dài 156 km là nơi các loại tàu thuyền có tải trọng 100 đến 150 tấn có thể hoạt động được cả 2 mùa. Với thế mạnh như vậy, đoạn sông này chính là nơi “hợp chim tụ cá” của hàng chục thuyền khai thác cát, sỏi.
Huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) chỉ cách huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) chưa đầy 1km, được ngăn cách bởi sông Lô; một số xã của huyện Đoan Hùng còn nằm xen kẽ với các xã thuộc huyện Sơn Dương. Ai đã từng đi qua tuyến đê nơi đây có lẽ không cần hỏi cũng có thể phân biệt đâu là tuyến đê thuộc các xã trên địa bàn huyện Đoan Hùng, đâu là đê của huyện Sơn Dương. Bởi lẽ, các xã thuộc hai huyện này chung một tuyến đê nhưng đê bên huyện Đoan Hùng đã được trải nhựa phẳng lỳ, rộng rãi; còn đê của các xã thuộc huyện Sơn Dương vẫn là con đường đất lầy lội uốn lượn theo dòng Lô.
Được biết, huyện Sơn Dương có tổng chiều dài tuyến đê dọc sông Lô trên 28 km và gần 50 cống dưới đê, nhưng qua khảo sát của chúng tôi thì thời điểm này một số hệ thống cống dưới đê chưa được duy tu, ốc xoắn cửa cống bị han gỉ không được bảo dưỡng, sửa chữa. Tại xã Vân Sơn có một cống dưới đê không thể hoạt động nữa, sẽ rất nguy hiểm khi nước sông Lô dâng cao tràn qua cống vào các cánh đồng trong xã.
Vậy mà khi trao đổi với chúng tôi, ông Tiêu Mạnh Tường, Chủ tịch UBND xã Vân Sơn khẳng định: “Xã Vân Sơn có 7 cống dưới tuyến đê dài 5km đã được duy tu, bảo dưỡng. Tuyến đê của xã bảo vệ cho 702 hộ, 3.196 khẩu”. Tuy nhiên, cũng theo ông Tường thì tuyến đê thuộc địa bàn xã là đê xung yếu, nhưng thời gian gần đây nạn khai thác cát sỏi trên sông Lô đã khiến bờ sông thuộc địa bàn xã quản lý bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều diện tích hoa màu đã bị trôi sông.
Sự lo lắng thể hiện rõ trên nét mặt ông Nguyễn Văn Sinh, cán bộ địa chính xã Vân Sơn, khi ông than thở: “Tổng diện tích canh tác vừa rồi bị sạt lở chưa được thống kê chính xác nhưng có tới 51 hộ bị ảnh hưởng do sạt lở, nhiều điểm sạt lở ngày càng ăn sâu vào thân đê, trước đây bờ sông cách thân đê 25m giờ chỉ còn khoảng chưa đầy 10m. Có nơi chiều dài sạt lở dài hàng cây số, trong đó có một số diện tích đất có bìa đỏ của dân thôn Mãn Sơn”.
Cũng trên tuyến đê sông Lô, tại xã Sầm Dương, có 4,8km đê, 11 cống dưới đê đang vận hành an toàn. Tuy nhiên, mặt đê thì đang xuống cấp do không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên trong khi vẫn phải “cõng” những xe tải cỡ nặng. Xuống cấp nặng nề nhất là tuyến đê Hưng Thành, Hưng Thiện và Lương Thiện.
Bà Lê Thị Hậu, thôn Hưng Định, xã Sầm Dương không giấu nỗi lo lắng khi trò chuyện với chúng tôi: “Tuyến đê đã được nâng cấp cách đây gần chục năm, dù mấy năm gần đây, đặc biệt là khi thủy điện Tuyên Quang tích nước thì không thấy có lũ nữa nhưng chúng tôi vẫn lo lắng lắm. Hằng ngày có hàng chục chuyến xe tải chở đá, cát, sỏi nặng mấy chục tấn đi trên tuyến đê này, khiến cho nhiều đoạn đi bộ còn khó.”
Đi dọc tuyến đê dài mấy chục cây số chúng tôi chứng kiến có nhiều đoạn xe tải qua lại nhiều đã khiến mặt đê võng xuống, xuất hiện những hố to như hố trâu đằm. Đặc biệt, tuyến đê thuộc xã Quyết Thắng (Sơn Dương) tuy chỉ dài 2,3 km nhưng nhiều đoạn đã xuống cấp nghiêm trọng.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trịnh Đình Hòa, Phó chủ tịch xã Quyết Thắng cho biết: “Tuyến đê trong xã đã được bồi trúc, nâng cấp lên cốt 29 vào năm 2003 dựa vào nguồn vốn của huyện, gần đây do không có vốn, chủ yếu dựa vào nguồn lao động công ích của xã tu sửa hàng năm nên cũng chẳng đâu vào đâu cả. Tuy mặt đê vẫn là đường đất nhưng thường ngày có xe tải 70 – 80 tấn chở đá đi qua làm nát hết đường, chưa kể trong xã có gần chục lò gạch đều vận chuyển sản phẩm đi trên tuyến đê này”.
Khi được hỏi về tình trạng mưa lũ cũng như nước từ phía đầu nguồn đổ về qua các năm, ông Nguyễn Văn Tường, 71 tuổi, người đã có cả đời sinh sống bên dòng Lô bày tỏ: “Dù chục năm nay không có trận lũ lịch sử nào dẫn đến vỡ đê nhưng nếu tình trạng khai cát, sỏi trái phép như hiện nay, nước sông ngày càng ăn sâu vào đất liền với tốc độ nhanh chóng như vậy thì đê nào có thể chống chọi được chứ!”.
Trước nguy cơ tuyến đê sẽ bị ảnh hưởng nặng khi mưa lũ đến, hầu hết những cán bộ xã (Quyết Thắng, Vân Sơn, Sầm Dương) mà chúng tôi đã gặp và trao đổi đều có chung một mong muốn và đề nghị tỉnh đầu tư xây kè bờ sông, nắn dòng chảy, đặc biệt là mở rộng thời gian ngừng cấp phép khai thác cát, sỏi trên các sông, suối thuộc địa bàn tỉnh như từ tháng 4 đến hết tháng 6 vừa qua. Đồng thời ngày 1/7/2011, khi lệnh cấm khai thác cát, sỏi bằng tàu quốc có hiệu lực cần nghiêm khắc xử lý các chủ tàu vi phạm.
Đem theo những lo lắng của người dân nơi đây về tuyến đê đang bị đe dọa trong mùa mưa bão, chúng tôi không khỏi xót xa khi tận mắt chứng kiến hình ảnh hàng đoàn thuyền được trang bị cần cẩu, gầu múc thọc sâu xuống dòng Lô để lấy cát, sỏi; hình ảnh những bờ tre, ruộng mía của bà con bất thình lình bị nhấn chìm xuống đáy sông.