ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, dòng sông Ba của tỉnh Gia Lai đã bị ô nhiễm nặng nề, nước sông nhiều đoạn bị đổi sang màu đỏ như những dải đất bazan. Và thủ phạm đã được xác định là hoạt động khai thác, tuyển quặng sắt của các nhà máy trên địa bàn, trong đó có nhà máy tuyển quặng Kbang (huyện Kbang, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai).
Theo Pháp luật TPHCM Online 27/6/2011, giờ đây, người dân quanh khu vực con sông này không còn dám sử dụng nước sông để sinh hoạt, thậm chí cũng không dám cho trâu bò uống nước sông. Khi bơm nước lên tưới đồng ruộng thì nhiều diện tích lúa, cây trồng đã bị vàng úa; nếu ngâm lâu, lúa sẽ có nguy cơ chết úa.
Tuy nhiên, vì không còn cách nào khác, hiện Nhà máy Nước thị xã An Khê vẫn phải sử dụng nguồn nước sông Ba để cấp nước sinh hoạt cho hơn 3.000 hộ dân. Dù đã tăng chi phí lên gấp nhiều lần để mua vật tư, hóa chất xử lý nước, song nước máy vẫn thường xuyên bị đục, chất lượng nước không đảm bảo.
Bức xúc trước tình trạng sông Ba mất dần sự sống, ông Bùi Văn Thắng (thôn 10, xã Đông) lên tiếng: “Do hầu hết các ngọn đồi đều bị xới tung để khai thác quặng nên mỗi khi mưa xuống, bùn đỏ lại đổ xuống các con suối rồi cuốn ra các nhánh sông khiến nước bị đỏ”.
Qua khảo sát, Chủ tịch UBND thị xã An Khê cũng khẳng định nguyên nhân nước sông Ba bị đục ngầu, có màu đỏ là do khai thác, tuyển quặng sắt xả thải ra sông. Tại hầu hết các con suối ở khu mỏ sắt thuộc xã Đông (huyện KBang) mà nhà máy tuyển quặng sắt của Công ty Khoáng sản Kbang đang khai thác đều bị cô đặc lại bởi bùn đỏ lấp đầy do quá trình khai thác quặng thải ra. Len lỏi giữa khu mỏ có tới hàng trăm hồ nước cũng bị tù đọng bởi bùn đỏ. Những suối, hồ này đều đổ ra các nhánh sông rồi chảy vào sông Ba.
Được biết, trung bình mỗi ngày, nhà máy chở đi đổ hơn 50 xe tải chất thải cặn lấy lên từ các hồ lắng. Số thải cặn được đem đổ ở các khe núi, ruộng thấp của người dân hoặc đưa đi hoàn thổ. Mỗi khi có mưa lớn, phần lớn khối lượng chất thải cặn đều trôi ra sông suối, khiến sông Ba càng thêm ô nhiễm.
Nếu các cơ quan chức năng không mạnh tay điều tra, kiên quyết xử lý thì tình trạng ô nhiễm Sông Ba còn có thể đi xa hơn, khó lòng cứu vãn.