Tốc độ tuyệt chủng của sinh vật đã bị phóng đại?

ThienNhien.Net – Theo kết quả của một công trình nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nature thì hầu hết các phương pháp được sử dụng phổ biến để tính toán tốc độ tuyệt chủng của các loài hiện nay về cơ bản đều chưa chuẩn xác. Kết quả thu được thường bị phóng đại, thậm chí còn khống lên tới con số 160%.

Các nhà bảo tồn lâu nay vẫn thường dùng phương pháp ước lượng gián tiếp có tên là “quan hệ loài – khu vực” để dự đoán tốc độ tuyệt chủng của sinh vật. Phương pháp này bắt đầu với số lượng loài trong một khu vực nhất định, rồi ước chừng sự gia tăng về số lượng của chúng khi lãnh thổ mở rộng hơn. Tiếp đó, các nhà bảo tồn tiến hành nghịch đảo các phép tính và cố gắng ước lượng sẽ còn lại bao nhiêu loài nếu môi trường sống của chúng bị mất dần. Và kết quả là vào đầu những năm 1980, dựa trên phương pháp “quan hệ loài – khu vực”, đã xuất hiện nhiều dự đoán cho rằng đến năm 2000, số lượng các loài trên Trái đất sẽ giảm đi một nửa.

Không đồng tình với phương pháp trên và một số phương pháp hiện hành khác, Stephen Hubbell – Giáo sư sinh thái học và sinh học tiến hóa của Viện Đại học California – Los Angeles, cùng với Fangliang He, giáo sư Đại học Tôn Trung Sơn (Quảng Châu, Trung Quốc), đã đề xuất phương pháp dự đoán gián tiếp mới chính xác và ít sai số hơn.

Tốc độ tuyệt chủng của các loài không nhanh như chúng ta tưởng (Ảnh: Rugbyfederal.com)

Ông giải thích: “Cách tính theo kiểu đại diện, thay thế như trên về cơ bản còn nhiều thiếu sót. Đường cong đồ thị biểu thị quan hệ loài – khu vực đã biến động hơn một thế kỷ nay, nên không thể lật ngược nó lại để tính toán có bao nhiêu loài còn lại khi lãnh thổ bị thu hẹp”.

Bàn về công trình nghiên cứu của mình, Giáo sư Hubbell phát biểu đầy tự tin: “Chắc chắn phải đạt 100% bởi chúng tôi đang nắm trong tay bằng chứng toán học có thể làm sáng tỏ vấn đề”.

Được biết, bằng chứng ấy không hướng đến một loài cụ thể nào mà chủ đích nhắm vào một số lượng lớn các loài sinh vật. Cũng theo ông Hubbell, bằng chứng toán học của nhóm nghiên cứu chỉ rõ: “Chúng ta thực sự đang mất đi các môi trường sống nhanh hơn bất cứ thời điểm nào trong suốt 65 triệu năm qua. May mắn là ta vẫn chưa rơi vào tình trạng cực kỳ nguy hiểm như nhiều người đã nghĩ, song đó không phải lý do để ta tự mãn”.

Cuối cùng, ông đặc biệt nhấn mạnh: “Thực sự, tôi không muốn công trình nghiên cứu này bị hiểu sai rằng loài người chẳng phải lo lắng gì nữa khi mà các dự đoán cũ đều không đúng sự thật”.