ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, sông Lô đoạn qua huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), nơi giáp ranh với huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) thường xuyên có hàng chục tàu cuốc ngày đêm khai thác cát, sỏi dưới lòng sông. Tình trạng trên đã gây sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông, gây ảnh hưởng đến đời sống bà con. Chính tình trạng khai thác có phép và không phép diễn ra nơi đây đang khiến dòng Lô hiền hòa và thơ mộng ngày nào trở nên hung dữ, nổi giận “nuốt” hàng chục ha đất nông nghiệp của bà con bên bờ sông.
Được biết, ngày 22/4/2011, tỉnh Tuyên Quang có thông báo về việc tạm dừng, chưa gia hạn các giấy phép khai thác đã hết hạn, chưa cấp mới các dự án hoạt động khoáng sản, cát, sỏi lòng sông Lô, sông Gâm và các suối ở khu vực có các tuyến đê đến ngày 30/6/2011.
Đồng thời, các doanh nghiệp phải có bản cam kết với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố về việc thực hiện đúng các quy định và pháp luật trong đảm bảo an toàn khai thác trên địa bàn; dừng ngay và không sử dụng các phương tiện khai thác bằng tàu cuốc, trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 1/7 tới, chỉ được phép khai thác bằng tàu hút.
Việc cấm khai thác bằng tàu cuốc chỉ còn 10 ngày nữa sẽ có hiệu lực và vào thời điểm này, khi đi dọc tuyến đê sông Lô dài hàng chục cây số, qua địa bàn các xã Vân Sơn, Hồng Lạc, Sầm Dương, Vĩnh Lợi, Lâm Xuyên (Sơn Dương – Tuyên Quang), đâu đâu chúng tôi cũng thấy hình ảnh hàng chục, thậm chí hàng trăm tàu cuốc sếp thành hàng khai thác cát, sỏi trên sông.
Sau những chuyến tàu chở đầy cát, sỏi chất cao như núi rời khỏi địa bàn các xã trên là hình ảnh những bụi tre đổ ụp xuống lòng sông, những ruộng ngô, mía, hoa màu của bà con ven sông bị “hà bá ăn mất”. Nhiều đoạn sạt lở ăn sâu vào chân đê, ta luy cao từ 5 – 7m, gây nguy hiểm cho thân đê khi mùa mưa bão đang tới.
Trên rất nhiều đoạn sông Lô, nơi giáp danh giữa hai huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) và Đoan Hùng (Phú Thọ), mỗi ngày có hàng chục, thậm chí hàng trăm tàu cuốc khai thác cát, sỏi có phép và không phép.
Hầu hết các tàu đang khai thác cát, sỏi trên sông Lô đều có công suất lớn và trang bị các phương tiện hỗ trợ khai thác hiện đại như hệ thống gầu và cần cẩu múc sâu xuống lòng sông hàng chục mét để lấy cát.
Ngay cả những nơi được xây dựng kè để nắn dòng chảy cũng có tàu khai thác suốt ngày đêm.
Đi trên đê nhìn xuống dòng sông Lô lúc nào cũng thấy tấp nập thuyền chở cát qua lại.
Đôi bờ sông là những “núi” cát cao ngất ngưởng, khối lượng lên đến hàng trăm mét khối.
Cát dưới lòng sông được hút hết, khiến dòng chảy bị thay đổi, nguồn nước ô nhiễm nặng, theo đó là những vết nứt dài hàng chục mét, sẵn sàng kéo đất đổ sụp xuống bất cứ lúc nào. Nhiều nơi người dân không dám canh tác nữa.
Có nơi dòng sông ăn sâu vào đất liền, vào thân đê gây nguy hiểm tới hàng ngàn hộ dân trong đê khi mùa mưa bão đến.
Ngay cả những bụi tre trải qua hàng chục năm chắn sóng, giữ đê nay cũng ngã nhào xuống sông.
Hay những ruộng mía non xanh mơn mởn cũng đang chờ chực đến ngày làm mồi cho hà bá.
Dọc tuyến đê xã Vân Sơn có điểm sạt lở kéo dài hơn 1.000m, lấn vào đất liền từ 5 – 7m, nhiều điểm chỉ cách thân đê chưa đầy 20m.
Không hiểu liệu việc cấm tàu cuốc khai thác cát từ ngày 1/7/2011 của Tuyên Quang có đủ để trả lại một dòng sông Lô hiền hòa?