ThienNhien.Net – Sau cuộc họp bàn với các bộ ngành và các đơn vị liên quan trong việc lập dự án xây dựng hai thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, Bộ NN&PTNT đã có văn bản chính thức đề nghị Thủ tướng xem xét việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch VQG Cát Tiên để chuẩn bị cho việc xây dựng hai công trình trên.
Theo nội dung văn bản, tổng diện tích đất lâm nghiệp bị hai công trình này chiếm dự kiến là 372,23 ha, trong đó phần diện tích VQG Cát Tiên bị mất cho hai dự án là 136,98 ha; Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên mất 143,76 ha; Công ty TNHH một thành viên Cao su Phú Riềng 91,40 ha; và Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bắc 0,99 ha.
Trong tổng số 372,23 ha, thủy điện Đồng Nai 6 chiếm phần diện tích “nhỉnh” hơn, khoảng 197,63 ha; 174,60 ha còn lại thuộc về thủy điện Đồng Nai 6A.
Ngoài việc đề cập đến hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp tại khu vực dự kiến xây dựng, báo cáo của Bộ cũng đưa ra một vài đánh giá về ảnh hưởng của hai dự án đến VQG Cát Tiên.
Theo nhận định chung của Bộ, việc xây dựng hai công trình về cơ bản phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn điện quốc gia. Hai công trình đều được xây dựng theo kiểu nhà máy sau đập dâng, hồ chứa nhỏ (dung tích làm việc hồ của thủy điện Đồng Nai 6 là 15 triệu m3, của thủy điện Đồng Nai 6A là 9 triệu m3), ít gây gián đoạn dòng chảy cho hạ lưu.
“Việc xây dựng hai công trình tuy có ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, đa dạng sinh học trong VQG Cát Tiên và Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên nhưng ít ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực bảo tồn loài Tê giác và sinh cảnh Bầu sấu của VQG Cát Tiên (cách khu vực hoạt động của loài Tê giác 7 – 11 km, cách khu vực Bầu sấu 25 km). Các mục tiêu cơ bản của Vườn vẫn được đảm bảo do diện tích chuyển mục đích không lớn và kéo dài theo dải hẹp dọc sông Đồng Nai là ranh giới ngoài của Vườn.”, theo đánh giá từ Công văn.
Tuy chưa phải là kết luận cuối cùng nhưng những đánh giá nêu trên chắc hẳn chưa làm thỏa lòng giới bảo tồn bởi trước đó, không ít ý kiến đã bày tỏ mối nghi ngại, nếu hai dự án được xây dựng, nó sẽ có tác động lớn tới môi trường sinh thái của VQG Cát Tiên, đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của tê giác và vùng đất ngập nước Ramsar – Bàu Sấu.
Công trình thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A vốn được tách ra từ Dự án thủy điện Đồng Nai 6 – đây là dự án nằm trong quy hoạch khai thác bậc thang thủy điện sông Đồng Nai, do Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) làm chủ đầu tư. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 1483/CP-CN ngày 19/11/2002, sau đó được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung Quy hoạch bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai tại Quyết định số 5117/QĐ-BTC ngày 14/10/2010. Theo thiết kế, thủy điện Đồng Nai 6 có công suất 135MW, thủy điện Đồng Nai 6A có công suất 106 MW. Dù được trông đợi với nhiều mục tiêu lớn lao (cung cấp nguồn điện cho hệ thống điện phía Nam, điều tiết dòng chảy vào mùa cạn kiệt cho khu vực hạ lưu, bổ sung nước cho nhà máy thủy điện Trị An…) nhưng hai dự án này vẫn làm dấy lên mối lo ngại về các tác động môi trường và xã hội, nhất là khi chủ đầu tư DLG vẫn chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa xác định rõ các biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng của việc xây dựng công trình đến việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học và kế hoạch trồng lại rừng. |