ThienNhien.Net – Ba học sinh Trần Thị Phước Huyền, Võ Thị Ngọc Tiên và Phạm Bảo Ngọc trường THPT Nguyễn Huệ đã nghiên cứu thành công giải pháp biến nước mặn thành nước ngọt. Giải pháp này đoạt giải Nhì tại Hội thi “ Học sinh phổ thông nghiên cứu khoa học – Intel ISEF năm 2011” .
Từ nhận thức rằng sự nóng lên của trái đất, sự xâm nhập mặn đang khiến nguồn nước ngọt suy giảm và ngày càng khan hiếm, đặc biệt là vùng núi và hải đảo xa xôi, ba học sinh đã ấp ủ ý tưởng biến nước mặn thành nước ngọt.
Theo Thanh Niên 19/06, phương pháp xử lí nước mặn thành nước ngọt của 3 em khá đơn giản. Các vật dụng cần thiết bao gồm cát, gáo dừa hoặc tre, ống nhựa đường kính 2 cm, vòi phun mưa, thùng 50x30x70 cm được làm sạch. Cát có tác dụng lưu giữ lại những chất hữu cơ, hạt bám dính, chất vi sinh, clo, mùi hôi và các ion kim loại nặng; loại bỏ cặn bẩn, huyền phù, cặn lơ lửng. Tre, gáo dừa được carbon hóa bằng cách đốt đỏ rồi ủ trong cát để biến tre, gáo dừa ban đầu thành than có tính chất tương tự như than hoạt tính để phục vụ vào việc lọc nước mặn. Sau khi đã xử lý tre (hoặc gáo dừa) thành than, cát và than được xếp thành 5 lớp xen kẽ nhau, mỗi lớp dày 5 cm. Ở đáy thùng có đặt ống nhựa, trên đó có khoan các lỗ nhỏ, xung quang ống nhựa này được bọc lớp bông gòn với mục đích ngăn không cho cát, than theo ống ra ngoài.
Thời gian tới để đảm bảo được chất lượng nước, đưa vào phục vụ sinh hoạt, nhóm này sẽ tiếp tục nghiên cứu để khẳng định thêm các ưu điểm của hệ thống.