ThienNhien.Net – “Cả nước hiện có nhiều mô hình thí điểm về quản lý rừng cộng đồng nhưng khó có thể chọn ra một mô hình mẫu để nhân rộng” – Đây là một trong những điều trăn trở đối với các nhà quản lý và những người đang trực tiếp công tác trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, được chia sẻ tại hội thảo do Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Trung tâm vì Con người và Rừng (RECOFT) phối hợp tổ chức ngày 21/6/2011 tại Hà Nội.
Rừng cộng đồng vốn là một trong những phương thức quản lý truyền thống ở nước ta nhưng do những thay đổi về xã hội và thể chế quản lý nên đã mai một và dần biến mất trong nhiều thập kỷ qua. Theo xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới và xuất phát từ thực tiễn nhu cầu bảo tồn, khoảng 15 năm trở lại đây, lâm nghiệp cộng đồng ở Việt Nam đã được các nhà quản lý và các nhà bảo tồn quan tâm trở lại.
Khung pháp lý, tuy chưa hoàn thiện, nhưng cũng đã được xây dựng một cách cơ bản để khuyến khích việc vận hành các mô hình thử nghiệm quản lý rừng cộng đồng, tiến tới hình thành lâm nghiệp cộng đồng ở Việt Nam.
Nhiều mô hình thí điểm, thử nghiệm về quản lý rừng cộng đồng đã được triển khai rộng khắp, trong đó có cả những dự án lớn do Nhà nước đầu tư cũng như các mô hình do các đơn vị ngoài nhà nước, các tổ chức bảo tồn quốc tế bảo trợ.
Từ chia sẻ bài học kinh nghiệm của các mô hình quản lý rừng cộng đồng, tại hội thảo cũng đã có những câu hỏi mang tính căn bản được đặt ra, như “thử nghiệm đã nhiều, nhưng liệu có mô hình nào đủ tiêu chuẩn để trở thành mô hình mẫu?”, hay “nên duy trì diện tích rừng cộng đồng bao nhiêu là vừa?”, “nên giao cho cộng đồng rừng giàu hay rừng nghèo để tối ưu hóa lợi ích cả ba mặt kinh tế – xã hội – môi trường?”.
Khái niệm “cộng đồng” lâu nay với những cách hiểu khác nhau cũng dẫn đến những cách thức tiếp cận khác nhau của người làm dự án, cũng như thái độ tiếp nhận của người dân và cơ quan chức năng. Vì vậy, để tiến đến thể chế hóa chính sách về lâm nghiệp cộng đồng, các ý kiến cho rằng, cần thống nhất ngay từ khái niệm.
Một số đại biểu tham dự hội thảo cho rằng tuy dự án thí điểm về quản lý rừng cộng đồng có nhiều nhưng phân tán, những bài học rút ra còn rất hạn chế. Được biết, IUCN và RECOFT đã phối hợp tiến hành và đang hoàn thiện những phân tích ban đầu về tiến trình và tác động quản lý rừng cộng đồng. Đây sẽ là một hợp phần quan trọng để RECOFT tiến tới một nghiên cứu đầy đủ và đề xuất hướng đi đối với quản lý rừng cộng đồng ở Việt Nam.
Quản lý rừng cộng đồng, theo nhiều chuyên gia đánh giá, là tiền đề tốt và có mối quan hệ chặt chẽ với việc áp dụng các sáng kiến về Giảm phát thải do phá rừng và suy thoái rừng (REDD), Chi trả dịch vụ môi trường (PES) và Tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ (FLEGT).