ThienNhien.Net – Sau nhiều lần tổ chức hội nghị thu thập ý kiến của các nhà quản lý và giới chuyên môn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đây đã có văn bản chính thức đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ được kí thỏa thuận với một đơn vị Hà Lan tiến hành triển khai nghiên cứu, khảo sát địa chất Dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công.
Trong văn bản đề nghị ngày 15/6, Bộ cho biết, ngày 27/5, Đại sứ quán Hà Lan đã có thư thông báo phía Hà Lan sẵn sàng hợp tác và trợ giúp Việt Nam trong việc nghiên cứu, triển khai thực hiện dự án này. Đồng thời, để làm rõ tính khả thi của dự án và giảm thiểu chi phí đầu tư, phía Hà Lan đề nghị chia giai đoạn lập dự án tiền khả thi (báo cáo đầu tư) làm 2 bước.
Theo đó, bước 1 phía Hà Lan sẽ tài trợ không hoàn lại một khoản kinh phí khoảng 250.000 euro và giới thiệu Công ty FUGRO của Hà Lan để tiến hành khoan khảo sát địa chất khu vực xây dựng.
Nếu địa chất nền đáp ứng yêu cầu thì sẽ tiến hành tiếp Bước 2 – lập bản đồ và đánh giá chi tiết địa chất khu vực dự án cũng như đưa ra các giải pháp thiết kế tuyến đê để lập dự án tiền khả thi.
Để có cơ sở điều chỉnh quy hoạch thủy lợi cũng như triển khai nghiên cứu tiền khả thi dự án, Bộ đề nghị Thủ tướng cho phép Bộ kí thỏa thuận với Công ty FUGRO để tiến hành triển khai Bước 1. Nếu khả thi, Bộ sẽ trình Thủ tướng bổ sung quy hoạch thủy lợi vùng dự án và đề nghị Thủ tướng giao các bộ ngành liên quan bố trí kinh phí cho Bước 2.
Dự án đê biển từ Vũng Tàu đến Gò Công liên quan trực tiếp đến vùng đất trũng thấp thuộc lưu vực sông Vàm Cỏ và hệ thống sông Đồng Nai, bao gồm khu vực Đồng Tháp Mười, khu vực TPHCM và khu vực Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang với tổng diện tích vùng và các vùng liên quan trực tiếp là 1.010.000 ha.
Theo báo cáo tóm tắt của Tổng cục thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) trong tháng 12/2010, nguồn vốn dự kiến dành cho Dự án đê biển từ Vũng Tàu đến Gò Công ở mức 50.000 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư cho đê biển là 26.000 tỉ đồng, vốn đầu tư cho cống và âu thuyền là 9.000 tỉ đồng, số còn lại là vốn dự phòng. Mục tiêu của dự án là chống lũ lụt, ngập úng và xâm nhập mặn cho toàn vùng TPHCM, trước mắt và lâu dài; Tăng cường khả năng thoát lũ, giảm chiều sâu và thời gian ngập lũ, chống xâm nhập mặn cho vùng Đồng Tháp Mười trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Chống xâm nhập mặn cho khu vực Gò Công, Long An; Phòng chống thiên tai và các tác động từ biển cho toàn khu vực TPHCM và vùng Đồng Tháp Mười; Khi cần sẽ chuyển thành hồ chứa nước ngọt cho vùng; Rút ngắn khoảng cách giao thông, tạo sự kiên kết giữa các tỉnh miền Tây với Vũng Tàu và các tỉnh ở Nam Trung Bộ, xây dựng hệ thống cảng biển, tạo động lực mở rộng và hình thành chuỗi đô thị mới ở TPHCM, Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, phát triển du lịch cũng như đối với kinh tế xã hội cho toàn khu vực. |